Nhiều doanh nghiệp “mạnh tay” trả cổ tức tiền mặt

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong số các doanh nghiệp đã chốt danh sách cổ đông để chi trả cổ tức năm 2024, có không ít doanh nghiệp dự kiến chi trả bằng tiền mặt với tỷ lệ rất cao. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp kinh doanh có lãi như Vinatex, ABBank, Masan… lại chọn không chi cổ tức, tập trung nguồn lực cho đầu tư.
Công ty CP Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài dự kiến trả cổ tức năm 2024 bằng tiền mặt với tỷ lệ 80%. Ảnh: Tường Lâm
Công ty CP Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài dự kiến trả cổ tức năm 2024 bằng tiền mặt với tỷ lệ 80%. Ảnh: Tường Lâm

Tâm điểm là Công ty CP Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (VEFAC) với tổng tỷ lệ chia cổ tức lên đến 435%. Cụ thể, cổ tức năm 2024 của VEFAC là 135% (tương đương 13.500 đồng/cổ phiếu), lấy từ lợi nhuận chưa phân phối lũy kế đến cuối năm 2024. Bên cạnh đó, Công ty tạm ứng cổ tức quý I/2025 ở mức 300% (30.000 đồng/cổ phiếu) từ lãi sau thuế quý I/2025. Tổng số tiền VEFAC dự kiến chi trả cho đợt này là hơn 7.247 tỷ đồng, ngày thanh toán dự kiến vào 4/7/2025.

Mức cổ tức “khủng” của VEFAC được công bố sau khi doanh nghiệp này ghi nhận lợi nhuận ròng kỷ lục trong quý I/2025, đạt 14.900 tỷ đồng, chủ yếu nhờ chuyển nhượng một phần Dự án Vinhomes Global Gate và các hoạt động hợp tác kinh doanh.

Một doanh nghiệp khác cũng gây chú ý là Công ty CP Phát triển đô thị công nghiệp số 2, với kế hoạch chi trả cổ tức năm 2024 bằng tiền mặt tỷ lệ 84% (8.400 đồng/cổ phiếu). Công ty sẽ chi hơn 254 tỷ đồng để trả cổ tức, dự kiến vào ngày 10/6/2025. Số tiền này tương đương 99% toàn bộ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Công ty tính đến cuối năm 2024.

Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) cũng “dốc hầu bao” chi trả cổ tức tiền mặt năm 2024, khi nâng tỷ lệ từ 35% lên 50% bất chấp những khó khăn từ đại dịch Covid-19 và các chính sách như Luật Phòng chống tác hại của rượu bia... Sabeco đã tạm ứng cổ tức với tỷ lệ 20% vào cuối tháng 1/2025 và dự kiến thanh toán phần còn lại vào cuối tháng 7/2025. Tổng số tiền chi trả cổ tức năm 2024 của Sabeco lên đến 6.270 tỷ đồng, vượt xa lợi nhuận sau thuế 4.494,7 tỷ đồng trong năm. Sabeco cũng đề xuất duy trì mức cổ tức 50% cho năm 2025.

Một số doanh nghiệp khác cũng công bố mức trả cổ tức năm 2024 hấp dẫn như Công ty CP Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang với tỷ lệ 138% (tương đương 13.800 đồng/cổ phiếu), Công ty CP Đầu tư và Phát triển Cảng Đình Vũ với tỷ lệ 70% (7.000 đồng/cổ phiếu), Công ty CP Dược Hậu Giang với tỷ lệ 100% (10.000 đồng/cổ phiếu).

Mới đây, Ban lãnh đạo Công ty CP Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài (NCT) cho biết sẽ trình Đại hội đồng cổ đông phương án trả cổ tức năm 2024 bằng tiền mặt với tỷ lệ 80% (8.000 đồng/cổ phiếu), tương đương tổng số tiền chi trả hơn 209 tỷ đồng.

Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp trong danh sách chi trả cổ tức bằng tiền mặt cao hoạt động trong các lĩnh vực truyền thống có dòng tiền ổn định như khoáng sản, xây dựng, cảng biển, điện và cấp nước.

Trong khi đó, phần lớn doanh nghiệp bất động sản lại ưu tiên phương án chi trả cổ tức bằng cổ phiếu. Trong đó, tỷ lệ chia cổ tức bằng cổ phiếu năm 2024 của Tổng công ty Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIG) là 6%; Tổng công ty Đầu tư Phát triển nhà và đô thị Nam Hà Nội (NHA) là 10% và Công ty CP Phát triển nhà Bà Rịa - Vũng Tàu (HDC) là 12%.

Trái ngược với xu hướng chi trả cổ tức tiền mặt cao, một số doanh nghiệp tỏ ra thận trọng hơn trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều biến động. Điển hình là Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đề xuất không chia cổ tức năm 2024 để tập trung nguồn lực cho đầu tư và sản xuất, chủ động thích ứng với các biến động thuế quan từ Mỹ. Đây là lần đầu tiên Vinatex không chia cổ tức, sau giai đoạn 2015 - 2023 duy trì mức chi trả tiền mặt từ 2 - 6% (gần nhất là 3% cho năm 2023).

Tương tự, Ngân hàng ABBank cũng quyết định giữ lại toàn bộ lợi nhuận chưa phân phối còn lại của năm 2024 (khoảng hơn 2.311 tỷ đồng) để bổ sung vốn và phục vụ kế hoạch chiến lược dài hạn. Tại Đại hội đồng cổ đông năm 2024, ABBank đã kêu gọi cổ đông kiên nhẫn và tin tưởng vào “quả ngọt” trong tương lai.

Dù ghi nhận lợi nhuận ròng gần 2.000 tỷ đồng trong năm 2024, Công ty CP Tập đoàn Masan (MSN) vẫn quyết định không chia cổ tức. Công ty cho biết cần giữ lại nguồn lực để giảm nợ vay và tái đầu tư vào các mảng kinh doanh cốt lõi, một chiến lược đã được Masan duy trì trong nhiều năm.

Kết nối đầu tư