Nhập siêu trở lại có đáng lo?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, trong một thời gian dài, cán cân thương mại của Việt Nam liên tục xuất siêu hàng tỷ USD, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế. Tuy vậy, trong tháng 5/2021, Việt Nam đã nhập siêu trở lại. Việc nhập siêu này có đáng lo ngại?
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Nhập siêu gần 370 triệu USD trong tháng 5

Theo Bộ Công Thương, hoạt động xuất, nhập khẩu tháng 5/2021 bị tác động bởi làn sóng thứ tư của dịch Covid-19 bùng phát, khiến hoạt động sản xuất của một số doanh nghiệp (DN) trong khu công nghiệp bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm 2021 ước tính vẫn duy trì đà tăng cao, đạt 262,25 tỷ USD, tăng 33,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu (XK) hàng hóa đạt 130,94 tỷ USD, tăng 30,7%; nhập khẩu (NK) hàng hóa đạt 131,31 tỷ USD, tăng 36,4%. Tốc độ tăng kim ngạch NK cao hơn kim ngạch XK khiến 5 tháng đầu năm 2021 nhập siêu 369 triệu USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 3,87 tỷ USD).

Từ các số liệu cho thấy, nguyên nhân của nhập siêu là bởi NK tăng rất cao trong tháng 5 (khoảng 28 tỷ USD, tăng 56,4% so với cùng kỳ năm 2020), nhưng nếu phân tích kỹ lại cho thấy, cơ cấu hàng NK chủ yếu để phục vụ sản xuất trong nước. Nhóm hàng tư liệu sản xuất, máy móc, phụ tùng chiếm đến 93,8% tổng kim ngạch NK, tăng 36,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Một nguyên nhân nữa khiến nhập siêu trở lại trong tháng 5, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê là do kể từ cuối tháng 4 đến nay, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, nhất là một số tỉnh, thành phố trọng điểm ở khu vực miền Bắc, trong đó Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội (là 3 trong số 8 địa phương có quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu lớn của cả nước), đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN XK.

Nhập siêu chưa đáng ngại

Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Phạm Tất Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại thuộc Bộ Công Thương cho rằng, việc nhập siêu không đáng ngại, bởi hoạt động này cho thấy Việt Nam đang nối lại sản xuất với các chuỗi cung ứng bị đứt gãy trong thời kỳ Covid-19, dẫn đến hàng hóa đã được lưu thông (hàng nhập về tăng) để có nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động.

Theo ông Thắng, với nhiều biện pháp quyết liệt, linh hoạt và hợp lý của Chính phủ, tình hình dịch Covid-19 vẫn đang được kiểm soát tốt, nhất là các địa phương có khu công nghiệp. Cùng với dự báo về sự hồi phục của kinh tế toàn cầu, chắc chắn hoạt động xuất nhập khẩu Việt Nam sẽ tiếp tục khởi sắc, xuất siêu trở lại ngay trong quý III/2021.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Lê Đình Ân cho rằng, con số nhập siêu gần 370 triệu USD là không đáng lo, thậm chí là đáng mừng, bởi nhóm hàng nhập siêu chủ yếu để phục vụ sản xuất. Vì thế, khả năng nhập siêu là do kinh tế phục hồi, các DN tăng NK để đầu tư.

Báo cáo Tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại tháng 5 và 5 tháng 2021 của Bộ Công Thương cũng khẳng định, hoạt động NK có sự gia tăng mạnh mẽ trong 5 tháng đầu năm 2021 nhờ sự mở rộng của lĩnh vực sản xuất đã thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu đầu vào và sự phục hồi của nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Đặc biệt, Bộ Công Thương dự báo tình hình xuất nhập khẩu thời gian tới sẽ tiếp tục khởi sắc khi các hiệp định thương mại tự do đang dần được thực thi một cách toàn diện, hiệu quả hơn, từ đó thúc đẩy XK tăng trưởng mạnh. Cùng với đó, nhu cầu hàng hóa trên thị trường thế giới đang hồi phục trở lại là điều kiện thuận lợi để DN Việt Nam đẩy mạnh XK.

Tuy vậy, để nâng cao sức cạnh tranh, chớp được các cơ hội kinh doanh trong bối cảnh mới, ông Thắng khuyến nghị, các DN XK của Việt Nam phải nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như khả năng thích ứng để vượt qua khó khăn, chủ động chuyển hướng để nắm bắt những cơ hội từ bối cảnh mới một cách hiệu quả.

Bộ Công Thương cũng cam kết cập nhật kịp thời tình hình, diễn biến dịch bệnh Covid-19 có thể gây ảnh hưởng đến các hoạt động hợp tác kinh tế - thương mại, xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các nước; đề xuất các biện pháp để duy trì, phát triển thị trường xuất khẩu; hỗ trợ các DN tìm nguồn nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu, vật tư, linh kiện là đầu vào để đảm bảo ổn định sản xuất trong nước.

Chuyên đề