Nhập khẩu sắt thép tăng vọt, doanh nghiệp ứng phó ra sao?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo Tổng cục Hải quan, những tháng đầu năm 2024, lượng sắt thép các loại nhập khẩu (NK) tăng mạnh cả về lượng cũng như trị giá so với cùng kỳ năm trước. Trước áp lực từ hàng ngoại, các doanh nghiệp (DN) trong ngành thép phải nâng cao năng lực cạnh tranh để thích ứng với bối cảnh mới…
Trong 2 tháng đầu năm Việt Nam chủ yếu nhập khẩu sắt thép các loại và sản phẩm từ Trung Quốc với trị giá đạt 1,72 tỷ USD, tăng 91,2% so với cùng kỳ 2023. Ảnh: Quang Huy
Trong 2 tháng đầu năm Việt Nam chủ yếu nhập khẩu sắt thép các loại và sản phẩm từ Trung Quốc với trị giá đạt 1,72 tỷ USD, tăng 91,2% so với cùng kỳ 2023. Ảnh: Quang Huy

Vì sao nhập khẩu sắt thép tăng vọt?

Tổng cục Hải quan cho biết, trong 2 tháng đầu năm 2024, cả nước nhập khẩu 2,76 tỷ USD sắt thép các loại và sản phẩm, tăng 43,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sắt thép các loại NK đạt 2,65 triệu tấn với trị giá là 1,88 tỷ USD, tăng 85,4% về lượng và tăng 57% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Việt Nam chủ yếu NK sắt thép các loại và sản phẩm sắt thép từ thị trường Trung Quốc với trị giá đạt 1,72 tỷ USD, tăng 91,2% so với cùng kỳ 2023 và chiếm 62% trị giá NK sắt thép các loại và sản phẩm sắt thép của cả nước.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, đại diện một DN kinh doanh thương mại thép lớn cho biết, nguồn cung trong nước (thép cán nóng - HRC) chưa đáp ứng đủ cầu nên buộc Việt Nam phải NK. Trong khi đó, do thị trường xây dựng trong nước khó khăn, Trung Quốc - “cường quốc” sản xuất thép có chính sách đẩy mạnh xuất khẩu bằng cách hỗ trợ giá, thuế. Một số sản phẩm thép NK vào Việt Nam có thuế NK bằng 0%, trong đó có thép cán nóng. Đó là những nguyên nhân khiến thép NK tăng mạnh.

Một nhà thầu nhìn nhận, lượng thép NK tăng vọt trong những tháng đầu năm có thể là để tăng tốc phục vụ các dự án trọng điểm cấp bách, ví dụ Dự án Đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch - Phố Nối. “Trung bình mỗi vị trí khoảng 100 tấn thép/cột và 70 tấn thép/móng. Theo thông tin công bố, Dự án có 1.177 vị trí móng cột thép. Như vậy, lượng thép cần cung cấp cho Dự án là rất lớn”, nhà thầu này lý giải.

Thông tin với Báo Đấu thầu, đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho hay, số liệu NK cơ quan hải quan công bố rất đáng lưu tâm. Hiện VSA đang tổng hợp số liệu theo quốc gia và theo mặt hàng NK để có những nhận định chuẩn xác về nguyên nhân.

Ứng phó thế nào?

Lo lắng trước lượng thép NK từ thị trường Trung Quốc tăng đột biến với giá rẻ, mới đây, Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát và Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã gửi hồ sơ lên Cục Phòng vệ thương mại thuộc Bộ Công Thương khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thép HRC từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, ngay sau đó, 9 DN tôn mạ và ống thép Việt Nam, trong đó có Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen, Công ty CP Tôn Đông Á, Công ty CP Thép Nam Kim… đã có văn bản gửi lên VSA cùng các cơ quan chức năng bày tỏ quan ngại nếu Việt Nam khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thép HRC NK sẽ gây ra những hậu quả tiêu cực không chỉ đối với ngành thép mà còn đối với toàn nền kinh tế.

Các DN này cho rằng, hiện Hòa Phát và Hưng Nghiệp Formosa là 2 DN sản xuất được HRC tại Việt Nam, chiếm gần 80% thị phần HRC nội địa, phần còn lại được cung cấp bởi các công ty thương mại NK HRC và bán lại cho các công ty tôn mạ và ống thép.

Một khi thuế chống bán phá giá đối với HRC NK từ Trung Quốc được áp dụng, 2 DN đó độc quyền nguồn cung HRC tại Việt Nam. Tình huống đặt ra là các DN này có khả năng tăng giá bán HRC, dẫn đến giá thành phẩm tăng tương ứng và chỉ có các DN này được hưởng lợi, ảnh hưởng tới thị trường. Một khi giá thành phẩm tăng, gánh nặng đặt lên vai người tiêu dùng cuối cùng sẽ lớn hơn.

Không ủng hộ áp thuế chống bán phá giá đối với HRC NK từ Trung Quốc, một số DN cho rằng, đây là câu chuyện của thị trường, nguồn cung tốt mà giá rẻ sẽ chiếm lợi thế. Để bảo vệ chính mình, bản thân các DN sản xuất trong ngành phải không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh. Cùng với đó, DN cần nâng cao công suất sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Theo ông Đinh Quốc Thái, Phó Chủ tịch VSA, DN sản xuất thép cần chủ động tái cơ cấu để nắm bắt cơ hội phát triển. Xanh hóa sản xuất đang mở ra cơ hội phát triển của DN, trong đó có ngành thép. Vì vậy, DN cần đầu tư công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, giảm phát thải khí nhà kính; tăng cường năng lực thích ứng và ứng phó với hàng rào kỹ thuật và thương mại quốc tế…

Về phía Bộ Công Thương, cơ quan này cho biết đã tiếp nhận hồ sơ yêu cầu của một số DN liên quan đến nội dung trên. Các ý kiến của DN sẽ được nghiên cứu kỹ lưỡng, cẩn trọng trước khi đưa ra quyết định.

Chuyên đề