Nhập khẩu ô tô đắn đo chính sách thuế?

(BĐT) - Việc tiến tới xây dựng một thị trường ô tô cạnh tranh lành mạnh vẫn là dấu hỏi lớn khi các nhà nhập khẩu đắn đo, thận trọng trước sự thay đổi của các chính sách quản lý liên quan đến ô tô.
9 tháng đầu năm 2016, nhập khẩu ô tô nguyên chiếc có dấu hiệu đi xuống, giảm 7,3% về số lượng và giảm 16,9% về trị giá xe. Ảnh: Nhã Chi
9 tháng đầu năm 2016, nhập khẩu ô tô nguyên chiếc có dấu hiệu đi xuống, giảm 7,3% về số lượng và giảm 16,9% về trị giá xe. Ảnh: Nhã Chi

Thận trọng hơn!

Sau 2 năm liên tiếp tăng mạnh cả về lượng và trị giá, 9 tháng đầu năm 2016, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, hoạt động nhập khẩu ô tô nguyên chiếc có dấu hiệu đi xuống, giảm 7,3% về số lượng và giảm 16,9% về trị giá xe. Trái với dự đoán về việc lượng xe nhập khẩu sẽ tăng, năm 2016, tình trạng này được cho là có liên quan đến sự thay đổi của các chính sách quản lý liên quan đến ô tô.

Bà Đào Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu thuộc Tổng cục Hải quan nhận định, xu hướng giảm nhập khẩu ô tô dường như là một bước đi thận trọng của các nhà nhập khẩu trước những sự điều chỉnh về chính sách thuế như thuế xuất nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng với ô tô.

Đặc biệt, điều khiến các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô băn khoăn nhiều nhất là Thông tư 20/2011/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định về hạn chế nhập khẩu xe ô tô tuy đã hết hiệu lực nhưng vẫn chưa có các văn bản thay thế. Đây một yếu tố tác động mạnh tới thị trường ô tô Việt Nam, nhất là ô tô nhập khẩu. Vì vây, tình trạng các doanh nghiệp nhập khẩu đắn đo, thận trọng cũng là dễ hiểu.

Ông Trần Tấn Trung, Tổng giám đốc Công ty CP Liên Á, cho rằng những thay đổi về chính sách thuế làm ảnh hưởng rất nhiều đến quyết định mua hàng của người tiêu dùng, qua đó điều chỉnh quy luật cung cầu, các hãng ô tô phải đưa ra các quyết định nhập khẩu phù hợp với nhu cầu thị trường. Cùng với đó là việc quyết định đối với Thông tư 20 của Bộ Công Thương cũng tác động không ít tới thị trường ô tô nhập khẩu, dẫn tới việc các nhà nhập khẩu phải thận trọng hơn. 

Giám sát nhà nhập khẩu?

Ông Trần Tấn Trung cho biết, trong 5 con đường đưa xe ô tô đến với người tiêu dùng, nhập khẩu chính hãng hoặc mở nhà máy lắp ráp tại Việt Nam là những con đường ngắn nhất, mà các nhà nhập khẩu song song không có được, trừ phi phải có những giải pháp hạ thấp giá trị nhập khẩu. Đồng thời, cần có các biện pháp thực thi hiệu quả, chống tình trạng vi phạm sở hữu trí tuệ, nhãn mác đang diễn ra hết sức tràn lan. Bởi vì đây cũng là một trong những vấn đề cạnh tranh bất bình đẳng, gây bất lợi cho các nhà sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và phân phối ô tô chính hãng, vì họ đang bỏ rất nhiều chi phí xây dựng thị trường và thương hiệu, trong khi người kinh doanh nhỏ lẻ hưởng lợi.

Giới chuyên gia kiến nghị, cần áp dụng các giải pháp giám sát công bố của các nhà nhập khẩu về phụ tùng và linh kiện xe nhập khẩu, từ đó có thể áp giá tính thuế nhập khẩu một cách công bằng và chính xác. Thực tế, việc yêu cầu cung cấp tài liệu Vehicle Data (Thông số kỹ thuật xe) cho mỗi chiếc xe nhập khẩu là hoàn toàn dễ dàng và minh bạch, trong đó liệt kê rất chi tiết mọi linh kiện và phụ tùng đã được nhà máy lắp ráp, đi cùng mỗi số VIN (số nhận dạng xe) tương ứng. Cơ quan hải quan hoàn toàn có cơ sở giám sát nhà nhập khẩu và áp thuế chính xác theo các đơn giá đã công bố của nhà sản xuất.

Ông Nguyễn Quang Sơn, Trưởng phòng Phòng Giám quản hàng hóa xuất nhập khẩu thương mại thuộc Tổng cục Hải quan cho biết, cơ quan hải quan đã áp dụng giải pháp này và đề nghị các hãng ô tô cập nhật thường xuyên, thậm chí là hàng tháng, biểu giá mọi linh kiện, phụ tùng chính hãng, để đưa vào cơ sở dữ liệu tính thuế. Còn theo quan điểm của ông Nguyễn Tô An, Trưởng phòng Phòng Chất lượng xe cơ giới thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam, các hãng ô tô cần công khai tài liệu Vehicle Data và chủ động cung cấp cho cơ quan nhà nước.

Chuyên đề