Nhân sự ngành địa ốc: Chật vật mưu sinh, mong chi thưởng Tết

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Khái niệm thưởng Tết đối với nhân sự ngành kinh doanh địa ốc là điều gì đó khá xa xỉ và lạ lẫm trong suốt nhiều năm qua.
Trong năm 2023 số lượng môi giới trên thị trường đã giảm 60-70% so với cuối năm 2022
Trong năm 2023 số lượng môi giới trên thị trường đã giảm 60-70% so với cuối năm 2022

Mặc dù đại dịch Covid-19 đã đi qua, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đã bắt đầu hoạt động bình thường trở lại, nhưng từ đó đến nay, khó khăn vẫn “thập diện mai phục”.

Ở trong nước, sau một thời gian dài “nóng sốt”, từ tháng 9/2022 thị trường bất động sản bắt đầu bước vào chu kỳ trầm lắng sau chính sách thắt chặt tín dụng của Ngân hàng Nhà nước.

Trên bình diện thế giới, vấn đề khủng hoảng kinh tế toàn cầu, khủng hoảng địa chính trị trước xung đột Nga - Ukraine vẫn đang "leo thang" căng thẳng… đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của các nhà đầu tư. Vì lẽ đó, tỷ lệ hấp thụ bất động sản trên thị trường giảm sút nghiêm trọng.

Theo TS. Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cú “phanh gấp" tín dụng vào bất động sản trong quý III/2022 đã khiến thị trường “bết bát” từ đó đến nay.

Đứng trước tình trạng “ngàn cân treo sợi tóc”, việc duy trì tiền lương đúng hạn cho người lao động đã còn khó, nói gì đến thưởng Tết.

Bi đát hơn, ngay từ những quý đầu năm 2023, các doanh nghiệp lớn trong ngành kinh doanh địa ốc lần lượt sa thải hàng nghìn nhân sự môi giới nhằm tái cấu trúc doanh nghiệp và tiết giảm chi phí vận hành.

Khó khăn chưa dừng lại ở đó khi nguồn cung bất động sản dần trở nên khan hiếm vì những vướng mắc pháp lý dự án chưa được tháo gỡ triệt để.

Theo ghi nhận của Báo Đấu thầu, đa phần các doanh nghiệp bất động sản đã cho nhân viên kinh doanh nghỉ Tết cách đây hơn một tháng. Lý do là vì sản phẩm để bán không có hoặc ít, còn nhà đầu tư thì vắng bóng, nên lúc này có giữ nhân viên lại cũng không làm gì được.

Lãnh đạo một công ty bất động sản (xin không nêu tên) cho hay, năm nay, đa số doanh nghiệp trong ngành chỉ đủ khả năng thưởng lương tháng 13 cho nhân viên, chứ không thể rủng rỉnh như thời hoàng kim. Việc thưởng nhà, đất nền, căn hộ, xe hơi và những khoản tiền lên đến hàng tỷ giờ chỉ là dĩ vãng.

Ông Nguyễn Phạm Hữu Hậu - Phó Chủ tịch Hanita Master dẫn lại số liệu từ Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, năm 2023, thị trường chứng kiến sự “ra đi” của hàng loạt doanh nghiệp bất động sản. Trung bình mỗi tháng có khoảng 107 doanh nghiệp bất động sản rời khỏi thị trường.

Riêng với các sàn giao dịch bất động sản, 20% sàn tiếp tục đối diện nguy cơ giải thể, phá sản; 40% sàn đang phải nỗ lực chống đỡ để duy trì, chỉ còn hoạt động với một vài nhân sự nòng cốt.

Từ thực tế trên sẽ thấy, thưởng Tết là vấn đề rất nan giải đối với các doanh nghiệp ngành bất động sản. Với tình hình lãi suất cho vay bất động sản vẫn tiếp tục “neo” ở mức cao, còn tâm lý nhà đầu tư thì rất thận trọng, chưa dám mạnh tay xuống tiền, trong năm tới sự khó khăn vẫn tiếp tục bủa vây doanh nghiệp bất động sản.

Một báo cáo khảo sát mới đây của Viện Nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Đất Xanh Services khiến nhiều người không khỏi lo ngại bởi, trong năm 2023 số lượng môi giới trên thị trường đã giảm 60 - 70% so với cuối năm 2022.

Khi còn ở đỉnh cao, vào mùa Tết âm lịch, nhiều nhân viên môi giới xin ở lại làm thêm và đã chốt thành công khá nhiều hợp đồng. Nhưng nay, môi giới địa ốc nói riêng và nhân sự trong lĩnh vực này nói chung đang lâm vào tình trạng “thất nghiệp” đại trà hoặc nợ lương dai dẳng suốt nhiều tháng liền.

Chuyên đề