Nhà liền thổ tại TP.HCM khan hiếm, người mua và chủ đầu tư chuyển hướng ra các tỉnh lân cận

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) -  Nguồn cung nhà liền thổ tại TP.HCM tiếp tục ở mức thấp nên nhu cầu nhà ở đang dần hướng về các tỉnh lân cận như Đồng Nai và Bình Dương.
Nhu cầu nhà ở đang dần hướng về các tỉnh lân cận như Đồng Nai và Bình Dương. Ảnh: Ngô Bảo Tín
Nhu cầu nhà ở đang dần hướng về các tỉnh lân cận như Đồng Nai và Bình Dương. Ảnh: Ngô Bảo Tín

Trong quý I/2022, nguồn cung sơ cấp biệt thự/nhà phố ở TP.HCM phục hồi sau thời gian dài thiếu hụt do dịch bệnh Covid-19. Tỷ lệ tiêm chủng vaccine cao đã hỗ trợ sự tăng trưởng nguồn cung và khôi phục hoạt động bán hàng.

Theo thống kê của các đơn vị nghiên cứu thị trường, nguồn cung sơ cấp đạt gần 490 căn, tăng 23% theo quý và 3% theo năm. Nguồn cung mới đến từ 10 dự án mới được mở bán và các giai đoạn mở bán tiếp theo của 2 dự án hiện hữu tại Quận 9, 12, Bình Chánh, Thủ Đức và Tân Phú. Nguồn cung tiếp tục khan hiếm khi các chủ đầu tư dời kế hoạch mở bán 7 dự án sang năm 2023.

Về tỷ lệ hấp thụ, trong quý I/2022, lượng giao dịch đạt 240 căn, tăng 13% theo quý với tỷ lệ hấp thụ 49%, giảm 5 điểm phần trăm theo quý. Nguồn cung mới chiếm 76% lượng bán và có tỷ lệ hấp thụ 59%.

Bà Võ Thị Khánh Trang, Phó giám đốc Bộ phận Nghiên cứu TP.HCM - Savills Việt Nam cho hay, nhà phố thương mại đạt tỷ lệ hấp thụ cao nhất 60%. Quận 12 dẫn đầu lượng giao dịch, chiếm 42% lượng bán và có tỷ lệ hấp thụ 67%; các dự án tại khu vực này được hưởng lợi từ hạ tầng giao thông cải thiện, giá bán cạnh tranh và các chương trình chiết khấu trong đợt mở bán đầu.

Triển vọng đến năm 2025, nguồn cung tương lai dự kiến đạt hơn 10.900 căn/nền. Quận 2 là điểm đến phát triển bất động sản liền thổ, chiếm 29% nguồn cung, tiếp đến là Bình Chánh với 21% và Quận 9 với 13%.

Quận 2 và Quận 9 đón đầu sự phát triển của các dự án giao thông trọng điểm như cầu Thủ Thiêm 2, dự kiến khánh thành vào cuối tháng 4. Tại Bình Chánh, hiện Sở Nội vụ TP.HCM đang xây dựng đề án chuyển Bình Chánh trở thành quận hoặc thành phố thuộc TP.HCM giai đoạn 2021 - 2025.

Các dự án bất động sản liền thổ ở Đồng Nai đạt tỷ lệ hấp thụ 85% và Bình Dương đạt 67% trong quý I/2022. Tuy nhiên, thị trường có dấu hiệu đầu cơ, với khoảng 65% người mua để đầu tư hơn là nhu cầu ở thực. Ảnh: Ngô Bảo Tín

Các dự án bất động sản liền thổ ở Đồng Nai đạt tỷ lệ hấp thụ 85% và Bình Dương đạt 67% trong quý I/2022. Tuy nhiên, thị trường có dấu hiệu đầu cơ, với khoảng 65% người mua để đầu tư hơn là nhu cầu ở thực. Ảnh: Ngô Bảo Tín

Dự báo đến cuối năm 2022, nguồn cung tương lai sẽ có 1.130 căn/nền chào bán, trong đó 56% đến từ các chủ đầu tư như Vingroup, Masterise Homes, Khang Điền, Keppel Land và Đại Phúc Group.

Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng sau đại dịch, các dự án này được phát triển trong các khu đô thị khép kín có mật độ không gian xanh cao và đầy đủ tiện ích.

Xung đột Nga - Ukraine đã đẩy chi phí nguyên vật liệu tăng cao; giá thép, xăng, xi măng có mức tăng lên đến 3% theo quý và lên đến 15% theo năm, ảnh hưởng trực tiếp lên giá nhà và chi phí xây dựng. Trong bối cảnh giá cả hàng hóa tăng cao cùng với kinh tế phục hồi, áp lực lạm phát sẽ gia tăng.

Trong giai đoạn 2022 - 2023, Chính phủ sẽ chi 350 nghìn tỷ đồng cho chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, phần lớn nhất (hơn 113 tỷ đồng) được dùng cho phát triển hạ tầng. Kết nối giao thông cải thiện và cơ sở hạ tầng phát triển tạo lợi thế lớn cho các nhà phát triển bất động sản sở hữu quỹ đất trong khu vực lân cận.

Theo Báo cáo Chỉ số tâm lý người tiêu dùng bất động sản của Batdongsan.com, 92% người khảo sát mong muốn sở hữu nhà trong tương lai, trong đó TP.HCM và Hà Nội là thị trường thu hút nhất, tiếp đến là các đô thị vệ tinh.

Khi nguồn cung nhà ở giá phải chăng ở khu vực thành phố trở nên khan hiếm, người mua và các chủ đầu tư đã mở rộng đầu tư ở các tỉnh lân cận như Đồng Nai và Bình Dương. Nhờ vào hạ tầng phát triển và quỹ đất dồi dào, các dự án bất động sản liền thổ ở Đồng Nai đạt tỷ lệ hấp thụ 85% và Bình Dương đạt 67% trong quý đầu năm 2022; tuy nhiên, khoảng 65% người mua để đầu tư hơn là nhu cầu ở thực.

Chuyên đề