Nhà đầu tư ngoại sở hữu vốn tại DN kinh doanh xăng dầu: Tỷ lệ bao nhiêu là hợp lý?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Xăng dầu là mặt hàng chiến lược, nhạy cảm, ảnh hưởng lớn đến an ninh năng lượng quốc gia. Do đó, Bộ Công Thương cần phân tích kỹ lưỡng, toàn diện, khách quan, đánh giá được, mất về trước mắt và lâu dài khi đề xuất chính sách mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài được tham gia không quá 35% vốn ở các doanh nghiệp (DN) xăng dầu.
Xăng dầu là lĩnh vực kinh doanh đặc biệt, ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia. Ảnh: Tiên Giang
Xăng dầu là lĩnh vực kinh doanh đặc biệt, ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia. Ảnh: Tiên Giang

Đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành trong thông báo kết luận cuộc họp hoàn thiện Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu vừa được Văn phòng Chính phủ công bố.

Thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan, hiệp hội DN liên quan xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 về kinh doanh xăng dầu. Theo đó, Điều 1 của Dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung Điều 2 của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP quy định, thương nhân kinh doanh xăng dầu có tổ chức hoạt động sản xuất, chế biến xăng dầu được chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài nhưng không quá 35% và phải được Bộ Công Thương chấp thuận sau khi thẩm định.

Để bảo đảm phù hợp với thực tiễn và khả thi, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Công Thương nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến của các bộ, ngành, trong đó lưu ý nội dung “mở room” cho nhà đầu tư ngoại tham gia kinh doanh xăng dầu ở Việt Nam.

Cụ thể, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị Bộ Công Thương phân tích kỹ lưỡng, toàn diện, khách quan, đánh giá được gì, mất gì về trước mắt và lâu dài đối với vấn đề này để đề xuất cụ thể.

Đề xuất “mở room” cho nhà đầu tư ngoại tham gia thị trường xăng dầu tại Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83/2014/NĐ-CP đã nhận được một số ý kiến bày tỏ lo ngại và yêu cầu cân nhắc, xem xét một cách toàn diện, cẩn trọng nhằm bảo đảm hệ thống phân phối xăng dầu trong nước không bị chi phối bởi DN nước ngoài, bảo đảm nguồn cung trong mọi tình huống, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia do xăng dầu là mặt hàng quan trọng, thiết yếu, là huyết mạch của nền kinh tế. Hơn nữa, khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam không cam kết thời điểm mở cửa thị trường xăng dầu nhằm tạo điều kiện cho DN trong nước phát triển, xây dựng cơ sở vật chất, hệ thống phân phối xăng dầu đủ lớn.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá thuộc Bộ Tài chính cho rằng, lưu ý trên của lãnh đạo Chính phủ là cần thiết để những quyết sách khi được ban hành thực sự mang lại hiệu quả. Trong bối cảnh ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, vài năm qua, Việt Nam đã mở cửa cho các DN ngoại sản xuất, chế biến, lọc dầu thông qua các hình thức liên doanh liên kết, mua cổ phần. Rõ ràng đã có những yếu tố nước ngoài trong thị trường xăng dầu Việt Nam.

“Việc mở cửa thị trường này cho nhà đầu tư ngoại tham gia cần được xem xét nhằm nâng cao tính cạnh tranh trong việc kinh doanh xăng dầu, từ đó góp phần tạo yếu tố cạnh tranh đầy đủ cho thị trường này, người tiêu dùng có giá hợp lý”, ông Thỏa nêu quan điểm.

Đồng tình với chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, đây là chỉ đạo đúng, kịp thời, bởi đây là lĩnh vực kinh doanh đặc biệt, nếu không bảo đảm thì rất dễ ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia. “Chúng ta chỉ mở cửa thị trường này khi có nhiều cơ chế, giải pháp đồng bộ để quản lý”, ông Đức nhấn mạnh.

Chuyên đề