Nguồn cung bất động sản nhà ở TP.HCM và vùng phụ cận sụt giảm

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo Báo cáo thị trường bất động sản nhà ở TP.HCM và vùng phụ cận vừa được DKRA Vietnam công bố, quý I/2022, trong khi loại hình bất động sản nhà ở duy trì nguồn cung tương đương hoặc giảm so với quý trước thì loại hình bất động sản nghỉ dưỡng ghi nhận những tín hiệu khởi sắc ở hầu hết các phân khúc.
Tại TP.HCM, thị trường sụt giảm đáng kể về nguồn cung và lượng tiêu thụ ở phân khúc căn hộ. Ảnh: Gia An
Tại TP.HCM, thị trường sụt giảm đáng kể về nguồn cung và lượng tiêu thụ ở phân khúc căn hộ. Ảnh: Gia An

Sụt giảm đáng kể về nguồn cung và lượng tiêu thụ

Tại TP.HCM, thị trường sụt giảm đáng kể về nguồn cung và lượng tiêu thụ ở phân khúc căn hộ, nhà phố/biệt thự, trong khi phân khúc đất nền không có nhiều biến động so với quý IV/2021. Riêng bất động sản nghỉ dưỡng, thị trường ghi nhận tín hiệu khởi sắc từ loại hình biệt thự và nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng.

Cụ thể, phân khúc đất nền trong quý đầu năm 2022 tại TP.HCM và các tỉnh giáp ranh ghi nhận 11 dự án mở bán với nguồn cung khoảng 1.832 sản phẩm, tương đương quý IV/2021, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2021. Lượng tiêu thụ đạt khoảng 1.240 nền, tăng 6% so với lượng tiêu thụ của quý trước và cùng kỳ năm 2021 (khoảng 1.174 nền). Thị trường đất nền vùng phụ cận tiếp tục chiếm giữ vị thế chủ lực trong tổng nguồn cung mới do quỹ đất tại TP.HCM ngày càng khan hiếm. Trong đó, Long An dẫn đầu toàn thị trường khi chiếm 43% nguồn cung và 56% lượng tiêu thụ mới trong quý.

Thị trường căn hộ ghi nhận 18 dự án mở bán (khoảng 3.398 căn) trong quý vừa qua. Các dự án tiếp tục tập trung chủ yếu tại TP.HCM và Bình Dương. Nguồn cung mới bằng 42% so với quý IV/2021 (8.039 căn) và bằng 62% so với cùng kỳ năm 2021 (5.515 căn). Lượng tiêu thụ đạt khoảng 2.596 căn, bằng 76% nguồn cung mở bán mới, chỉ bằng 45% so với quý trước (5.767 căn) và bằng 59% so với cùng kỳ năm 2021 (4.416 căn). Riêng tại TP.HCM, nguồn cung sụt giảm đáng kể, trong đó phân khúc căn hộ hạng B tại khu Tây chiếm chủ đạo.

Nguồn cung mới nhà phố/biệt thự khu vực TP.HCM và các tỉnh giáp ranh sụt giảm mạnh trong 3 tháng đầu năm 2022, với 611 căn mở bán đến từ 12 dự án, chỉ bằng 17% so quý trước và bằng 31% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ tiêu thụ đạt 71%, tương đương 432 căn, bằng 18% so với quý IV/2021 và bằng 65% so với cùng kỳ năm 2021. Nguồn cung mới tập trung ở TP.HCM. Mặt bằng giá sơ cấp tăng 3 - 5% do chi phí đầu vào tăng, riêng Đồng Nai ghi nhận mức giá bán sơ cấp tăng 8 - 12% so với quý trước.

Loại hình bất động sản nghỉ dưỡng có tín hiệu khởi sắc ở hầu hết các phân khúc. Cụ thể, nguồn cung biệt thự nghỉ dưỡng trong quý I/2022 đạt khoảng 1.020 căn, tỷ lệ tiêu thụ đạt 57% (khoảng 579 căn) trên nguồn cung mới. Phân khúc nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng trong khu phức hợp đón nhận nguồn cung mới khoảng 2.768 căn, tăng 4% so với quý trước và gấp 12,4 lần so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ tiêu thụ đạt xấp xỉ 87%, tương đương 2.408 căn, tăng 4% so với quý IV/2021 và gấp 14,7 lần so với cùng kỳ năm 2021. Riêng condotel ghi nhận 613 căn mở bán, tỷ lệ tiêu thụ đạt 32% nguồn cung mới, tương đương 199 căn, gấp 3,3 lần so với quý IV/2021 nhưng chỉ bằng 43% so với cùng kỳ năm 2021.

Mong chờ sự phục hồi từ quý II

Theo dự báo từ DKRA Vietnam, nguồn cung mới và sức cầu của phân khúc đất nền trong quý II/2022 có thể tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2021, tập trung chủ yếu ở các thị trường giáp ranh TP.HCM như Đức Hòa, Cần Giuộc (Long An). TP.HCM tiếp tục khan hiếm nguồn cung mới. Đất nền tiếp tục được lựa chọn là kênh đầu tư hàng đầu.

Tại TP.HCM, căn hộ hạng B và hạng A tiếp tục giữ vị thế chủ đạo trong khi nguồn cung căn hộ hạng C tiếp tục khan hiếm. Ảnh: Gia An

Tại TP.HCM, căn hộ hạng B và hạng A tiếp tục giữ vị thế chủ đạo trong khi nguồn cung căn hộ hạng C tiếp tục khan hiếm. Ảnh: Gia An

Ở phân khúc căn hộ, nguồn cung mới có thể tăng tại TP.HCM, dự báo số lượng đạt khoảng 5.500 căn, tại Bình Dương khoảng 1.200 căn, những tỉnh thành khác khan hiếm nguồn cung mở bán mới ra thị trường. Sức cầu chung cũng như thanh khoản thị trường có thể bị ảnh hưởng nếu động thái siết tín dụng bất động sản của ngân hàng được đẩy mạnh. Tại TP.HCM, căn hộ hạng B và hạng A tiếp tục giữ vị thế chủ đạo trong khi nguồn cung căn hộ hạng C tiếp tục khan hiếm. Dưới áp lực chi phí đầu vào tăng cao, đặc biệt là chi phí nguyên vật liệu, mặt bằng giá bán sơ cấp có thể sẽ tăng, trong khi giá bán thứ cấp không có nhiều biến động so với quý I/2022.

Theo DKRA Vietnam, nguồn cung mới và sức cầu phân khúc nhà phố/biệt thự có thể tăng so với quý I/2022. Nguồn cung dao động khoảng 1.900 căn, tập trung tại một số địa phương như TP.HCM và Đồng Nai. Tây Ninh tiếp tục khan hiếm nguồn cung mới. Tại TP.HCM, khu Đông vẫn dẫn đầu về nguồn cung và lượng tiêu thụ toàn thị trường. Mặt bằng giá sơ cấp có thể sẽ tiếp tục xu hướng tăng do chi phí đầu vào tăng.

Riêng với bất động sản nghỉ dưỡng, nguồn cung mới condotel và biệt thự nghỉ dưỡng có thể tăng so với quý I/2022, tập trung chủ yếu ở những thị trường quen thuộc như Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Thuận, Thanh Hóa. Sức cầu chung toàn thị trường vẫn dự kiến tăng nhẹ so với quý trước, giao dịch tập trung chủ yếu vào loại hình nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng, biệt thự nghỉ dưỡng và tập trung vào những dự án được phát triển bởi các chủ đầu tư lớn, uy tín. Bên cạnh đó, mô hình khu nghỉ dưỡng phức hợp (Integrated Resort) tiếp tục nhận được nhiều sự quan tâm.

"Bước sang quý II/2022, dự báo thị trường có thể hồi phục với mức độ tích cực tùy từng phân khúc cụ thể", ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Bộ phận R&D - DKRA Vietnam chia sẻ.

Chuyên đề