Người Việt tăng vay tiền ngân hàng để đầu tư bất động sản

0:00 / 0:00
0:00
Dư nợ tín dụng đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản năm 2020 đạt 633.740 tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2019. Tỷ trọng dư nợ BĐS đối với toàn ngành là 7,2%.

Tại báo cáo công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản quý IV và cả năm 2020, Bộ Xây dựng cho biết trong quý IV/2020, tín dụng ngân hàng cho vay bất động sản ghi nhận tăng trưởng. Điều này chứng tỏ thị trường vẫn tăng trưởng và không có sự dịch chuyển các dòng vốn đầu tư đột biến khác.

Dư nợ tín dụng đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản năm 2019 đạt 521.821 tỷ đồng, đến quý I và quý II/2020 tăng lên lần lượt 526.396 tỷ đồng và 580.168 tỷ đồng. Đến quý III đạt 606.253 tỷ đồng và hết quý IV là 633.740 tỷ đồng.

Trong khi tốc độ tăng dư nợ tín dụng năm 2019 đạt 4,36%, giai đoạn quý I/2020 chỉ tăng 0,88%. Bộ Xây dựng giải thích đây là khoảng thời gian đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhất, thị trường bất động sản trầm lắng so với cùng kỳ hàng năm.

Sang quý II/2020, dư nợ tín dụng bất động sản của doanh nghiệp tăng đáng kể, thị trường bất động sản đã bắt đầu có sự cải thiện hơn về việc giao dịch. Số dư nợ tín dụng các quý sau đó tăng dần lên.

Trong quý III/2020, dư nợ tín dụng bất động sản của doanh nghiệp tăng 4,3% so với quý II, quý IV thì lại tăng 4,53% so với quý III.

“Ngoài việc nguồn cung vốn chủ yếu cho thị trường bất động sản là tín dụng ngân hàng, thị trường bất động sản trong năm 2020 vẫn có sự thu hút các nguồn vốn khác như vốn đầu tư cá nhân, kiều hối gửi về và vốn từ phát hành cổ phiếu, trái phiếu của các doanh nghiệp niêm yết và vốn FDI”, Bộ Xây dựng cho biết.

Trong khi đó, tổng dư nợ toàn ngành cũng tăng từ 8,2 triệu tỷ đồng năm 2019, lên 8,8 triệu tỷ đồng khi kết thúc năm 2020. Tỷ trọng dư nợ bất động sản đối với toàn ngành đạt 7,2%.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có văn bản đề xuất lùi lộ trình áp dụng tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được cho vay trung dài hạn. Theo đó, từ đầu năm 2020 đến hết 30/9/2020, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn giảm từ 45% trước đó xuống mức 40%.

Thực tế, quy định mới về việc giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, nhu cầu tín dụng nói chung suy giảm do dịch Covid-19, nhưng tín dụng bất động sản vẫn giữ được sự tăng trưởng.

Qua khảo sát, nhiều ngân hàng hiện nay bắt đầu hạ lãi suất cho vay mua nhà. Tại VPBank từ 5,9%/năm trong 3 tháng đầu tiên, 7,9%/năm trong 6 tháng hoặc 8,9%/năm trong 12 tháng đầu tiên; BIDV từ 7,6%/năm trong 12 tháng đầu tiên hoặc 9,2%/năm trong 36 tháng đầu tiên; Vietcombank từ 6,79%/năm, cố định trong 6 hoặc 12 tháng đầu.

Thậm chí, mức lãi suất cho vay mua nhà tại ngân hàng OCB còn xuống dưới 5%/năm (mức lãi vay mua nhà dự án 4,99%/năm được OCB áp dụng trong 3 tháng đầu với khách hàng có khoản vay từ 48 tháng trở lên; những trường hợp khác được vay lãi suất 7,99%/năm trong 6 tháng đầu).

Nhìn chung, so với thời điểm cuối 2019, lãi suất cho vay mua nhà cố định năm đầu tiên đã thấp hơn. Theo các chuyên gia ngân hàng, thời điểm hiện nay có xu hướng giảm về vùng thấp nhất 10 năm trở lại đây.

Chuyên đề