Người lao động tiếp tục bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) -  Dịch Covid-19 đã tác động tới việc làm, thu nhập của 31,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên kể từ đầu năm tới nay. Mặc dù trong quý III/2020, tình hình lao động, việc làm cải thiện so với quý trước nhưng vẫn suy giảm so với cùng kỳ năm trước.
Ngành vận tải hàng không và ngành du lịch có số lao động sụt giảm 30,4%
Ngành vận tải hàng không và ngành du lịch có số lao động sụt giảm 30,4%

Sáng 6/10, Tổng cục Thống kê đã có họp báo về tình hình lao động việc làm quý III và 9 tháng đầu năm 2020. Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, tình hình lao động, việc làm và thu nhập của người lao động quý III năm 2020 cũng được cải thiện so với quý trước, tuy nhiên các chỉ số về lao động, việc làm và thu nhập của người lao động quý III và 9 tháng vẫn giảm so với cùng kỳ năm trước.

Tình hình lao động, việc làm quý III có cải thiện

Theo đó, tính đến tháng 9 năm 2020, cả nước có 31,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập,… Trong đó, 68,9% người bị giảm thu nhập (với mức giảm thu nhập nhẹ), gần 40% phải giảm giờ làm/nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên và khoảng 14% buộc phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh.

Khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 với 68,9% lao động bị ảnh hưởng, tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng với 66,4% lao động bị ảnh hưởng; tỷ lệ lao động bị ảnh hưởng trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 27%.

Bà Vũ Thị Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động cho biết, lực lượng lao động tăng trở lại sau khi ghi nhận mức giảm sâu kỷ lục vào quý II năm 2020 (tăng 1,4 triệu người so với quý II/2020) nhưng vẫn chưa thể khôi phục về trạng thái của cùng kỳ năm trước.

Lao động trong một số ngành dịch vụ như vận tải kho bãi, lưu trú và ăn uống, nghệ thuật, vui chơi và giải trí bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch Covid-19. Tính đến tháng 9 năm 2020, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến người lao động đang làm việc trong hầu hết các ngành, trong đó một số ngành có tỷ lệ lao động bị ảnh hưởng lớn như: ngành nghệ thuật, vui chơi và giải trí (88,6%), dịch vụ lưu trú và ăn uống (81,7%), vận tải kho bãi (79,7%), hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ (72,7%), công nghiệp chế biến chế tạo (70,1%), bán buôn bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô và xe máy (68,5%), giáo dục đào tạo (68,5%), hoạt động kinh doanh bất động sản (67,8%).

Lao động có việc làm tăng so với quý trước chủ yếu ở nhóm lao động phi chính thức; tốc độ tăng của lao động phi chính thức cao hơn so với tốc độ tăng của lao động chính thức. Tính chung 9 tháng năm 2020, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức của cả nước là 56%, tăng 0,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Một số ngành có tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức cao như: dịch vụ lưu trú và ăn uống (81,8%); bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy (72,2%); nghệ thuật vui chơi và giải trí (70,0%).

Đáng lưu ý, dịch Covid-19 làm tăng đáng kể số lao động thiếu việc làm ở cả ba khu vực kinh tế. Thu nhập của người lao động trong quý III năm 2020 đã được cải thiện so với quý II năm 2020 nhưng vẫn giảm so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay vẫn còn một bộ phận không nhỏ lực lượng lao động tiềm năng chưa được khai thác, đặc biệt là nhóm lao động trẻ; việc tận dụng nhóm lao động này trở nên hạn chế hơn trong bối cảnh dịch Covid-19.

33,4% doanh nghiệp phải thực hiện các biện pháp cắt giảm lao động

Tổng cục Thống kê cho biết, dịch Covid-19 tác động mạnh tới hoạt động của các doanh nghiệp làm cho 33,4% doanh nghiệp phải thực hiện các biện pháp cắt giảm lao động 9 tháng năm 2020 so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến đến cuối năm 2020, tỷ lệ doanh nghiệp phải thực hiện các biện pháp cắt giảm lao động so với cùng kỳ năm trước là 36,4%.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa là những nhóm phải cắt giảm lao động nhiều nhất, với lao động bình quân 9 tháng giảm khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước; trong khi đó, tỷ lệ cắt giảm lao động của nhóm doanh nghiệp lớn ở mức 4,5%.

Tính chung 9 tháng năm 2020, những ngành có số lao động sụt giảm đáng kể như: ngành vận tải hàng không và ngành du lịch giảm 30,4%; ngành dịch vụ lưu trú giảm 29,9%; ngành hoạt động thể thao, vui chơi và giải trí giảm 17,4%; ngành ăn uống giảm 15,4%; ngành xây dựng giảm 14,1%.

Trong số lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp được khảo sát tính đến thời điểm 10/9/2020, có 7,8% lao động bị giảm lương, 5% lao động giãn việc/nghỉ luân phiên và 2,4% lao động tạm nghỉ việc. Tỷ lệ lao động bị giảm lương trong các doanh nghiệp thuộc ngành vận tải hàng không là cao nhất với 99,5%; ngành du lịch là 43,2%; ngành dịch vụ lưu trú là 27,8%.

Trong số các doanh nghiệp tham gia khảo sát, 66,6% doanh nghiệp đã và đang áp dụng các giải pháp để ứng phó với tác động của dịch Covid-19. Trong đó, giải pháp đào tạo nâng cao trình độ người lao động đã được 25,8% doanh nghiệp lựa chọn áp dụng, cao thứ hai chỉ sau giải pháp tìm thị trường tiêu thụ mới (41,4%).

Ngoài ra, khi được hỏi về các kỳ vọng đối với các chính sách hỗ trợ của Chính phủ trong thời gian tới, khoảng 10% doanh nghiệp cho rằng “hỗ trợ về đào tạo nghề cho người lao động chuyển nghề do thay đổi hoặc mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19” là một trong ba giải pháp mà Chính phủ cần ưu tiên triển khai nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong thời gian tới.

Tính đến thời điểm khảo sát, tỷ lệ doanh nghiệp đã được nhận hỗ trợ trên tổng số doanh nghiệp tham gia khảo sát là 17,9%; trong đó, 4% doanh nghiệp nhận được các hỗ trợ liên quan đến chính sách lao động và bảo hiểm xã hội.

Kết quả Điều tra lao động việc làm quý III năm 2020 cho thấy người lao động vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19. Do vậy, Tổng cục Thống kê đề xuất, các chính sách cần tiếp tục tập trung vào các đối tượng này nhằm củng cố niềm tin, tạo động lực và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động.

Chuyên đề