Ngóng chờ giải pháp cứu thị trường bất động sản của Chính phủ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Cuộc họp về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản, tổ chức hôm 8/11 tại TP.HCM do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chủ trì, theo đánh giá chung, đã có những tác động tích cực, làm tăng niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, người dân và các nhà đầu tư.
Do khó khăn về tài chính, nhiều dự án bất động sản đang bị đình trệ. Ảnh: Ngô Ngãi
Do khó khăn về tài chính, nhiều dự án bất động sản đang bị đình trệ. Ảnh: Ngô Ngãi

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, có ít nhất 10 vấn đề nổi cộm được các đại biểu dự họp tập trung kiến nghị.

Đáng chú ý là vấn đề pháp lý. Đây là vướng mắc lớn nhất, chiếm 70% khó khăn của các dự án bất động sản, nhà ở trong quá trình chuẩn bị đầu tư, xây dựng và kinh doanh, mà nguyên nhân chủ yếu là do một số quy định pháp luật không đồng bộ, thống nhất.

Do vậy trong 19 tháng tới, trong lúc chờ Luật Đất đai và một số luật liên quan (mới) có hiệu lực (dự kiến từ ngày 1/7/2024), các doanh nghiệp đề nghị Chính phủ khẩn trương xem xét ban hành ngay trong tháng 11/2022 “Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng” và “Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai”, để tháo gỡ ngay một số khó khăn, vướng mắc cụ thể đối với các dự án đô thị, nhà ở.

Vướng mắc lớn thứ hai là thủ tục hành chính rắc rối, phức tạp, thiếu đồng bộ, liên thông, làm kéo dài thời gian thực hiện các thủ tục hành chính đối với các dự án bất động sản, nhà ở thương mại và cả dự án nhà ở xã hội (mất khoảng 3 - 5 năm), thậm chí làm mất cơ hội kinh doanh và tăng chi phí đầu tư của doanh nghiệp.

Cho nên, đi đôi với việc xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất thì đề nghị Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất ban hành quy định hướng dẫn trình tự triển khai thực hiện đối với dự án nhà ở, khu đô thị, xây dựng quy trình chuẩn về thủ tục đầu tư dự án đô thị, nhà ở thương mại.

Các doanh nghiệp cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét để tháo gỡ khó khăn cho một số doanh nghiệp và dự án điển hình, trong đó có 64 dự án tại TP.HCM, để cho dự án được tiếp tục triển khai thực hiện, góp phần phát triển kinh tế và tăng nguồn cung dự án và sản phẩm nhà ở cho thị trường bất động sản.

Ảnh Internet

Ảnh Internet

Riêng về nút thắt tín dụng, các doanh nghiệp đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước xem xét nới trần (room) tín dụng khoảng 1% để có thêm nguồn vốn tín dụng khoảng 100 nghìn tỷ đồng nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế trong giai đoạn cao điểm cuối năm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được tiếp cận nguồn vốn tín dụng đối với các dự án đã có đầy đủ pháp lý, có tính khả thi.

Đồng thời, đề nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét cho phép nhà đầu tư cá nhân không phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được đầu tư, mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với một tỷ lệ nhất định thông qua ủy thác cho công ty chứng khoán, đại lý phát hành có năng lực bằng các hợp đồng thương mại để đầu tư trái phiếu theo quy định.

Cùng với đó, đề nghị Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bố trí nguồn vốn ngân sách cấp bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại (Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank) được Ngân hàng Nhà nước chỉ định để cho đối tượng hưởng chính sách vay ưu đãi với lãi suất 4,8%/năm để mua, thuê mua nhà ở xã hội.

Cộng đồng doanh nghiệp bất động sản và người dân mong đợi Chính phủ sẽ sớm đưa ra được giải pháp tối ưu và tìm được điểm cân bằng, hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư, Nhà nước.

Ông Lê Hoàng Châu cho biết thêm, cùng thời điểm diễn ra cuộc họp ở TP.HCM, một cuộc họp tương tự cũng đã được tổ chức tại Hà Nội do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chủ trì cùng với Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị và sự tham dự của khoảng 15 lãnh đạo tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản.

Nhiều chuyên gia đánh giá, thông tin về hai cuộc họp trên đây đã tác động rất tích cực, làm tăng niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, người dân và các nhà đầu tư, bởi thời gian qua thị trường địa ốc rơi vào cảnh hết sức ngột ngạt.

Một chủ đầu tư cho rằng, tại cuộc họp ngày 8/11, tất cả các bên đều nhìn nhận thị trường bất động sản có một vị trí quan trọng đối với nền kinh tế khi đóng góp hơn 11% GDP cả nước, góp phần giải quyết nhu cầu nhà ở cho các tầng lớp nhân dân trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, lĩnh vực bất động sản lại có quan hệ hữu cơ với nhiều ngành nghề, tạo được nhiều công ăn việc làm cho xã hội.

Bởi vậy, đứng trước tình rất khó khăn như hiện nay, việc cùng nhau nhìn thẳng vào sự thật, phân tích thấu đáo, xem xét nhiều chiều, xác định cho được các nguyên nhân chủ yếu và đề xuất các giải pháp cấp bách thật đúng, thật trúng nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người mua nhà, nhà đầu tư, là vô cùng cấp bách.

Được biết, Bộ Xây dựng đang khẩn trương tổng hợp ý kiến của lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp trong 2 cuộc họp trên đây để báo cáo ngay lên Thủ tướng Chính phủ.

Cộng đồng doanh nghiệp bất động sản và người dân mong đợi Chính phủ sẽ sớm đưa ra được giải pháp tối ưu và tìm được điểm cân bằng, hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư, Nhà nước; qua đó, bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, suy thoái kinh tế, bảo đảm các cân đối lớn, hỗ trợ nền kinh tế phát triển bền vững.

Chuyên đề