Ngành sản xuất Việt Nam phục hồi tích cực trong tháng 2

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) -  IHS Markit vừa công bố báo cáo chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam tháng 2/2022.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Theo báo cáo, khu vực sản xuất của Việt Nam tiếp tục phục hồi vào tháng 2, chứng kiến ​​tốc độ tăng trưởng nhanh hơn nữa và sự tự tin được duy trì. PMI của Việt Nam đã tăng từ 53,7 điểm vào tháng 1 lên 54,3 điểm vào tháng 2, báo hiệu một sự tăng trưởng đáng kể tháng thứ tư liên tiếp. Các điều kiện kinh doanh hiện đã được cải thiện sau nhiều tháng bị gián đoạn do làn sóng Covid-19 lần thứ tư trong năm 2021.

Động lực tăng trưởng được cải thiện nhờ sự hỗ trợ bởi nhu cầu của khách hàng mạnh mẽ hơn. Đơn đặt hàng mới tăng mạnh và tốc độ mở rộng nhanh chóng lên mức cao nhất trong mười tháng. Việc cải thiện nhu cầu quốc tế trong tháng 2 cũng dẫn đến sự gia tăng đáng kể trong xuất khẩu.

Số lượng đơn đặt hàng mới tăng và điều kiện kinh doanh ổn định đã góp phần làm sản lượng sản xuất tăng tháng thứ năm liên tiếp. Giống như số lượng đơn đặt hàng mới, tốc độ tăng sản lượng cũng là mức đáng kể nhất kể từ tháng 4 năm ngoái.

Hy vọng số lượng đơn đặt hàng mới tăng khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát đã hỗ trợ cho mức độ lạc quan của giới kinh doanh về triển vọng sản lượng trong năm tới.

Bình luận về kết quả khảo sát mới đây, ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại IHS Markit, cho biết:

Lĩnh vực sản xuất Việt Nam tiếp tục thể hiện khả năng chống chịu tốt đại dịch Covid-19 trong tháng 2, khi cả nhu cầu và sản lượng đều có động lực tăng. Tuy nhiên, mọi chuyện không phải đều tốt đẹp khi hạn chế về nguồn cung đã kìm hãm tăng sản lượng. Các công ty vẫn gặp khó khăn trong việc thuyết phục số lượng công nhân đủ lớn trở lại nhà máy để giải quyết lượng công việc tồn đọng, trong khi nguyên vật liệu vẫn khan hiếm. Do đó, các nhà sản xuất hy vọng những hạn chế này sẽ nhẹ bớt trong những tháng tới và từ đó sản lượng sẽ được giải phóng khỏi sự kìm hãm”.

Tuy nhiên, những vấn đề về nguồn cung tiếp tục cản trở tăng trưởng sản lượng. Mặc dù trong tháng 2 các nhà sản xuất đã tăng việc làm tháng thứ ba liên tiếp, tốc độ tăng việc làm vẫn còn khiêm tốn, khi các báo cáo vẫn cho biết công nhân còn chưa trở lại làm việc do đại dịch.

Thời gian giao hàng của nhà cung cấp tiếp tục kéo dài do khan hiếm nguyên vật liệu và thiếu nhân viên, cộng với những khó khăn của khâu vận chuyển quốc tế.

Những hạn chế này cùng với mức tăng đáng kể của số lượng đơn đặt hàng mới đã khiến lượng công việc tồn đọng tăng trong tháng 2, sau khi không thay đổi trong tháng 1.

Các nhà sản xuất cho biết giá cả đầu vào tiếp tục tăng mạnh trong tháng, phản ánh chi phí nguyên vật liệu tăng khi các nhà cung cấp tăng giá. Nguyên nhân giá dầu tăng cũng được nhắc đến.

Việc chuyển gánh nặng chi phí tăng sang cho khách hàng khiến giá bán hàng tiếp tục tăng, và đây là lần tăng thứ 18 trong 18 tháng. Tốc độ tăng đã nhanh hơn so với tháng 1.

Hoạt động mua hàng hóa đầu vào tăng mạnh trong tháng 2, khi các công ty cố gắng nhập hàng để hỗ trợ tăng sản lượng. Do đó, tồn kho hàng mua tăng nhanh nhất trong mười tháng, và trở thành mức tăng lớn nhất từng được ghi nhận.

Tồn kho thành phẩm cũng tăng vào giữa quý I, dù mức tăng nhẹ. Mức tăng này phản ánh không chỉ số lượng đơn đặt hàng mới tăng mà cả những khó khăn trong việc chuyển hàng thành phẩm cho khách hàng giữa những khó khăn của khâu vận tải.

Chuyên đề