Ngành cảng biển tăng trưởng ra sao trước dịch Covid-19?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, ông Hoàng Hồng Giang cho biết, tổng sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển trong nước 8 tháng đầu năm đạt gần 485,3 triệu tấn.
6 tháng, tổng doanh thu của 10 doanh nghiệp lớn nhất ngành đạt 6.917 tỷ đồng, giảm 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng lợi nhuận sau thuế lại tăng trưởng 1,6%, đạt 1.201 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên
6 tháng, tổng doanh thu của 10 doanh nghiệp lớn nhất ngành đạt 6.917 tỷ đồng, giảm 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng lợi nhuận sau thuế lại tăng trưởng 1,6%, đạt 1.201 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên

Trong đó, lượng hàng container thông qua cảng đạt hơn 13,9 triệu TEU, tăng lần lượt 6% và 8% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là mức tăng trưởng thấp trong nhiều năm trở lại đây nhưng so với nhiều ngành dịch vụ khác, kết quả này vẫn khả quan trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Theo tìm hiểu, kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của các doanh nghiệp cảng biển đang niêm yết gần như không bị ảnh hưởng nhiều. Tổng doanh thu bán hàng của 10 doanh nghiệp lớn nhất đạt 6.917 tỷ đồng, giảm 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng lợi nhuận sau thuế lại tăng trưởng 1,6%, đạt 1.201 tỷ đồng.

Dẫn đầu doanh thu trong số các doanh nghiệp khảo sát là Công ty CP Transimex với 1.317 tỷ đồng, tăng trưởng 11,3% so với 6 tháng đầu năm ngoái. Sau khi trừ đi các khoản chi phí và ghi nhận thêm doanh thu từ hoạt động tài chính, lãi từ các công ty liên doanh, liên kết, Transimex báo lãi ròng 147,7 tỷ đồng, tăng trưởng 30,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cũng ghi nhận doanh thu nghìn tỷ trong nửa đầu năm là Công ty CP Gemadept với 1.208 tỷ đồng, giảm gần 7% so với 6 tháng đầu năm 2019. Lợi nhuận sau thuế của Công ty đạt 250,5 tỷ đồng, giảm 28% (tương đương 96,8 tỷ đồng). Tuy nhiên, trong khi 6 tháng đầu năm ngoái, Gemadept ghi nhận khoản lãi chuyển nhượng cổ phần công ty con 94,5 tỷ đồng thì trong năm nay chỉ còn ghi nhận 15 tỷ đồng. Nếu loại bỏ khoản doanh thu thoái vốn này thì lợi nhuận 6 tháng đầu 2020 của Gemadept sẽ không thay đổi quá lớn so với cùng kỳ năm ngoái.

Một doanh nghiệp lớn khác trong ngành là Công ty CP Container Việt Nam (Viconship) cho biết đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động sản xuất kinh doanh nên đã giảm được chi phí. Bên cạnh đó, chi phí lãi vay giảm đáng kể dẫn đến kết quả lợi nhuận tăng trưởng trong khi doanh thu giảm sút. Cụ thể, doanh thu 6 tháng đầu năm của Viconship giảm 10% xuống còn 801 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 141 tỷ đồng, tăng trưởng 33%.

Các công ty khác như Công ty CP Cảng Hải Phòng báo lãi ròng tăng trưởng 15,6% (đạt 281,5 tỷ đồng), Công ty CP Cảng Đà Nẵng báo lãi tăng trưởng 26,6% (đạt 113 tỷ đồng), Công ty CP Cảng Quy Nhơn báo lãi ròng tăng trưởng 7% (60,6 tỷ đồng),…

Một số doanh nghiệp trong ngành báo lãi khiêm tốn hơn. Đơn cử, Công ty CP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (lãi ròng 70,2 tỷ đồng), Công ty CP Đại lý Giao nhận Vận tải Xếp dỡ Tân Cảng (lãi ròng 43 tỷ đồng), Công ty CP Đầu tư và Phát triển cảng Đình Vũ (lãi ròng 139,5 tỷ đồng)… báo lãi ròng gần như không đổi so với 6 tháng đầu năm ngoái. Báo lãi giảm 2 con số là Công ty CP Cảng Sài Gòn với lãi giảm từ 123,1 tỷ đồng xuống 92,7 tỷ đồng.

Một đặc điểm đáng chú ý khác là các doanh nghiệp khai thác cảng biển, vận tải xếp dỡ hàng hóa, kho bãi ít sử dụng vốn vay, do đó không phải chịu nhiều áp lực về lãi vay mỗi khi có biến động mạnh về môi trường kinh doanh như ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Theo Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn Thương Tín, ngành cảng biển sẽ bị ảnh hưởng lớn trong thời gian tới khi mà kinh tế toàn cầu bước vào đợt suy thoái lớn. Những khó khăn xảy đến với lĩnh vực cảng biển dự báo có độ trễ hơn so với các ngành nghề khác.

Bên cạnh đó, việc xuất hiện hàng loạt các cảng mới trên diện rộng dẫn tới thực trạng dư cung khiến cạnh tranh ngày càng mạnh hơn, đặc biệt tại khu vực cảng trọng điểm là cụm cảng Hải Phòng và cụm cảng Cái Mép - Thị Vải. Tại Hải Phòng, hai cảng mới đã đi vào hoạt động gồm cảng MIPEC và cảng Vinalines Đình Vũ với công suất mới có thể chiếm tới 15% công suất hiện tại của Hải Phòng. Điều này khiến cho các doanh nghiệp hoạt động tại các khu vực trên sẽ tiếp tục suy giảm cả doanh thu và lợi nhuận, biên lợi nhuận mỏng.

Chuyên đề