Ngân sách với nỗi lo giá dầu thô lao dốc

(BĐT) - Giá dầu thô giảm chỉ còn phân nửa so với giá dự toán năm 2016 (60 USD/thùng) chắc chắn sẽ tác động rất lớn đến cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) năm nay. Và đây cũng là một trong những nội dung được thảo luận tại Phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 1/2016.
Giá dầu thô cứ giảm 1 USD/thùng thì ngân sách nhà nước hụt thu khoảng 1.000 tỷ đồng. Ảnh: Trần Sơn
Giá dầu thô cứ giảm 1 USD/thùng thì ngân sách nhà nước hụt thu khoảng 1.000 tỷ đồng. Ảnh: Trần Sơn

Ngân sách Trung ương khó khăn vì giá dầu lao dốc

Cũng vào những ngày này cách đây 1 năm, giá dầu thô trên thị trường thế giới lao dốc không phanh, giảm rất sâu so với giá dự toán năm 2015 (100 USD/thùng), nhiều chuyên gia đã tính toán, cứ giá dầu giảm 1 USD, NSNN hụt thu khoảng 1.000 tỷ đồng. Trước những tính toán này, lãnh đạo Bộ Tài chính đã phải “phân trần” tại nhiều cuộc họp rằng, đây chỉ là tính toán trên lý thuyết. Còn trên thực tế, giá dầu giảm kinh tế sẽ tăng trưởng cao hơn dự báo; đầu vào cho hoạt động sản xuất, kinh doanh giảm; lợi nhuận của doanh nghiệp gia tăng, chưa kể nhờ giảm được đầu vào và lợi nhuận gia tăng, doanh nghiệp sẽ đầu tư mở rộng hoạt động, kinh tế phát triển nhờ đó ngân sách sẽ tăng thu, bù đắp được “khoảng trống” do giá dầu giảm để lại.

Thực tế đã chứng minh, nhận định của Bộ Tài chính không sai. Theo bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính, nhờ kinh tế phát triển (tăng 6,68% cao hơn kế hoạch là tăng 6,2% và cao hơn so với tính toán của Chính phủ là 6,5%), kết hợp với các giải pháp quyết liệt, phù hợp và quyết tâm, nỗ lực cao của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2015 bằng 108,6% dự toán, tăng 14,6% so năm 2014. Số NSNN thu được năm 2015 mới nhất, theo Bộ Tài chính đạt 989.690 tỷ đồng, vượt tới 62.190 tỷ đồng so với con số mà Bộ Tài chính tính toán để trình Quốc hội vào trung tuần tháng 11/2015.

Nhưng thực chất số tăng thu năm 2015, theo chia sẻ của một lãnh đạo Tổng cục Thuế, chủ yếu là nhờ cơ quan quản lý thuế quyết liệt trong việc thu hồi nợ đọng thuế nên thu được hơn 39.000 tỷ đồng (dự kiến ban đầu chỉ thu được khoảng 17.000 tỷ đồng), thu từ “thương vụ Metro chuyển nhượng vốn” được 1.911 tỷ đồng, thu từ tiền bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp, thu từ đất đai nhờ thị trường bất động sản khởi sắc… và một phần thu được từ hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển có phần nhờ giá dầu giảm. Còn trên thực tế, giá dầu giảm xuống mức bình quân chưa đến 55 USD/thùng, thấp hơn so với giá mà Bộ Tài chính đã báo cáo với Quốc hội là 56,7 USD/thùng, theo người đứng đầu Bộ Tài chính, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, NSNN bị hụt thu trên 64.000 tỷ đồng, tăng hơn 1.000 tỷ đồng so với con số đã dự báo và báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 vào cuối năm 2015. Như vậy có thể khẳng định, tính toán của các chuyên gia rằng, cứ giá dầu giảm 1 USD, NSNN bị hụt thu trên dưới 1.000 tỷ đồng là hoàn toàn chính xác. 

Thu nội địa trông chờ từ nguồn nào?

Thu nội địa chủ yếu trông chờ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tốc độ tăng trưởng GDP năm 2016 có thể vượt 6,7% như mục tiêu đã đề ra, theo đó, NSNN có thể tăng thu nhưng cũng khó có thể bù đắp cho số hụt thu từ giảm giá dầu thô để lại. Vì vậy, để bù đắp hụt thu, NSNN phải trông chờ vào các nguồn khác. Tuy nhiên, nguồn thu từ đất đai vẫn rất bấp bênh vì phụ thuộc vào sự “đỏng đảnh” của thị trường bất động sản. Nguồn thu từ thoái vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp và nguồn cổ tức phần vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp cũng khó có thể chắc chắn vì còn phụ thuộc vào thị trường chứng khoán. Trong đó, nguồn thu từ các khoản nợ thuế các năm trước để lại gần như đã hết “dư địa”.

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, nợ xấu luôn đồng hành với ngân hàng, khi nào còn hoạt động tín dụng thì còn nợ xấu, chỉ có điều nợ xấu phải ở mức hợp lý. Tương tự như vậy, nợ thuế luôn song hành cùng cân đối NSNN, không có quốc gia nào không có nợ thuế, bởi nợ thuế, ngoài nguyên nhân chủ quan (chây ỳ, cố tình dây dưa…), còn có nguyên nhân là người nộp thuế gặp khó khăn khách quan bất khả kháng. Vấn đề là nợ thuế phải ở mức hợp lý. Mức nợ thuế hợp lý theo thông lệ quốc tế là 5% tổng số thu. “Hiện tại, tổng số nợ thuế nội địa là trên dưới 26.000-27.000 tỷ đồng, năm 2016, số thu nội địa theo dự toán là 785.000 tỷ đồng, nếu nợ thuế theo thông lệ quốc tế tối đa là 5% thì tổng số nợ thuế vào khoảng 39.000-40.000 tỷ đồng là hợp lý”, ông Đinh Tiến Dũng phát biểu và cho biết thêm, trong số tiền nợ thuế hiện nay có khoảng 20.000 tỷ đồng được xếp vào diện khó, nói đúng ra là không có khả năng thu hồi vì chủ doanh nghiệp đã giải thể, phá sản, chết, mất tích… Như vậy số tiền nợ thuế “lưu cữu” từ các năm trước để lại và số tiền nợ thuế phát sinh năm 2016 không nhiều. Điều đó cũng đồng nghĩa với một trong những khoản thu rất lớn của ngân sách năm 2016 - thu hồi nợ đọng thuế - cũng không còn nhiều.

Cùng với TP.HCM, Hà Nội là một trong hai địa phương đóng góp vào ngân sách lớn nhất cả nước. Đứng trước thực tế khó khăn này, ông Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cho biết, để “thu đúng, thu đủ, thu kịp thời”, năm 2016, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp chống thất thu, chống nợ đọng, trong đó đặc biệt chú trọng việc công khai “danh tính” doanh nghiệp nợ đọng trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư