Giá dầu giảm tác động hai mặt đến nền kinh tế

(BĐT) - Trong các chỉ số kinh tế vĩ mô cơ bản, về lý thuyết thì dầu thô không có mặt. Nhưng dầu thô thực tế lại có thể xem là một trong những biến số cơ bản nhất, chi phối mạnh đến các biến số khác, bao gồm cả lạm phát, tỷ giá, lãi suất…
Giá xăng dầu giảm là nhân tố cơ bản làm lạm phát của Việt Nam giảm. Ảnh: Lê Tiên
Giá xăng dầu giảm là nhân tố cơ bản làm lạm phát của Việt Nam giảm. Ảnh: Lê Tiên

Yếu tố làm nên thành công trong kiểm soát lạm phát

Bên cạnh những tác động tiêu cực, giá dầu thô giảm, kèm với đó là giá xăng, dầu giảm được dự báo cũng có những tác động tích cực đối với nền kinh tế. Việt Nam là một nước nhập siêu sản phẩm xăng dầu, dự kiến năm 2016, Việt Nam sẽ nhập khẩu khoảng 12,5 - 13 triệu tấn xăng dầu. Nếu mức giá dầu thô vẫn giữ nguyên 35 - 36 USD/thùng như hiện nay thì sẽ tiết kiệm được khoảng 2 tỷ USD chi phí nhập khẩu xăng dầu.

Giá xăng dầu giảm cũng sẽ khiến giá nguyên liệu đầu vào của sản xuất hạ. Lĩnh vực vận tải được hưởng lợi nhất vì đây là lĩnh vực tiêu thụ nhiều xăng dầu nhất. Ngoài ra, các lĩnh vực khác như sản xuất phân bón, nhựa, khai thác tài nguyên, đánh bắt thủy sản, luyện kim... cũng được hưởng lợi khi mà xăng dầu chiếm tới 25 - 30% chi phí đầu vào của những ngành sản xuất đó.

Đặc biệt, giá xăng dầu giảm cũng giúp hộ gia đình giảm chi tiêu cho việc đi lại hằng ngày, qua đó kích thích tiêu dùng nhờ khoản tiền tiết kiệm được. Giá cước vận tải giảm cũng có thể giúp giá hàng hóa tiêu dùng giảm. Như vậy, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi kép từ việc chi tiêu cho vấn đề năng lượng. Khi đó, tình hình kinh doanh, làm ăn của doanh nghiệp và người dân sẽ thuận lợi hơn. Thuế thu từ nội bộ nền kinh tế sẽ tăng lên, ngân sách càng hưởng lợi. Theo dự kiến ban đầu, nếu giá dầu là 60 USD/thùng sẽ thúc đẩy nền sản xuất tăng 0,27%. Còn nếu giá dầu giảm còn 50 USD/thùng sẽ giúp kinh tế tăng thêm tới 0,31%. Với mức 40 USD/thùng sẽ giúp kinh tế tăng trưởng thêm 0,43%.

Giá xăng dầu giảm là nhân tố cơ bản làm lạm phát của Việt Nam giảm. Điều này cho thấy mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 5% của Việt Nam năm 2015 đã thành công ngoạn mục và nhẹ nhàng hơn so với những nỗ lực kiềm chế lạm phát các năm trước đây, đặc biệt trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng có thể đạt tới 18% cũng như tổng cung tiền đạt mục tiêu theo kế hoạch. Kinh tế Việt Nam đã kiềm cương được “con ngựa bất kham” lạm phát; ngân sách nhà nước đã có nguồn để tăng thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu phi dầu thô, qua đó có thể tăng bù đắp cho khoản hụt thu từ khai thác và xuất khẩu dầu thô cũng như từ nhập khẩu xăng dầu thành phẩm.

Quyết liệt trong cắt giảm chi tiêu ngân sách

Có thể thấy, giá dầu thô giảm hoàn toàn không phải là một mối đe dọa đối với nền kinh tế và ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, điều quan trọng là chúng ta phải tìm ra cách thức bù đắp sự thất thu từ khai thác và xuất khẩu dầu. Trước hết, phải tìm nguồn thu mới hoặc tăng cường khai thác nguồn thu hiện tại để bù đắp thất thu từ dầu. Không nên chỉ tập trung vào phía thu, mà quan trọng là phải có những biện pháp giảm chi tương ứng. Giảm chi, chi tiêu hợp lý và đúng đắn hơn không những giảm áp lực nợ công mà còn giúp cho các ngành trong nền kinh tế “dễ thở” hơn khi Chính phủ không phải chăm chăm vào chuyện tận thu để đảm bảo mục tiêu thâm hụt ngân sách.

Bởi vậy, song song với việc lập dự toán thu ngân sách trong bối cảnh giá dầu giảm mạnh và còn khả năng giảm xuống nữa, Chính phủ cần quyết liệt đặt ra và thi hành mục tiêu cắt giảm chi ngân sách. Những hạng mục nào lãng phí, không hiệu quả, có thể cắt giảm, và đâu là những “lỗ đen” ngân sách… thì đã rõ.

Giá dầu giảm sẽ tác động trực tiếp đến thu ngân sách, và gián tiếp ảnh hưởng đến việc cấp vốn cho các dự án đầu tư phát triển hạ tầng xã hội. Kịch bản tăng khai thác để đảm bảo thu là câu hỏi đang rất được dư luận quan tâm. Dầu thô là nguyên liệu năng lượng chiến lược của quốc gia và trữ lượng dầu của Việt Nam là có hạn. Chúng ta đang phải đối diện với mất cân bằng cung cầu và dự báo chỉ một vài năm nữa, chúng ta sẽ phải nhập khẩu năng lượng.

Việt Nam cần đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế, giảm bớt việc phát triển nhờ vào khai thác khoáng sản thô để xuất khẩu. Chúng ta cần điều chỉnh sự phụ thuộc của xuất, nhập khẩu dầu thô – xăng dầu trong tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu nói chung, và trong ngân sách nhà nước nói riêng; cũng như cần một thời gian để thay đổi cơ cấu thu ngân sách phù hợp. Điều hành kinh tế và thu ngân sách nhà nước năm 2016 hy vọng đã được xây dựng trên các dự báo sát gần đến các biến số vĩ mô, trong đó có biến số giá dầu, và tiếp tục củng cố phần chủ động đang có, với sự cân đối để tránh tăng thu – bù thất thu.

PGS.TS. Ngô Trí Long

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả thuộc Bộ Tài chính

Chuyên đề

Kết nối đầu tư