Ngân hàng lạc quan về triển vọng 2022

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhiều hoạt động kinh tế đã có dấu hiệu khởi sắc trở lại, song ngành ngân hàng phải đối mặt nhiều áp lực trong năm 2022, đặc biệt là nợ xấu. Tuy nhiên, triển vọng kinh doanh của lĩnh vực này được dự báo vẫn khả quan.
95% tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế năm 2022 tăng trưởng dương. Ảnh: Tường Lâm
95% tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế năm 2022 tăng trưởng dương. Ảnh: Tường Lâm

Ngân hàng Nhà nước vừa công bố kết quả Điều tra xu hướng kinh doanh quý I/2022 của toàn bộ các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam (TCTD) với tỷ lệ trả lời đạt 92%. Tại khảo sát này, các TCTD đánh giá tình hình kinh doanh của hệ thống ngân hàng có sự phục hồi và “cải thiện” rõ rệt trong quý IV/2021 so với quý trước. Dự báo cho thời gian tới, 72,2 - 84,2% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn trong quý I và cả năm 2022 so với năm 2021.

Theo các TCTD, kết quả hoạt động kinh doanh trong quý IV/2021 tăng trưởng tốt hơn nhiều so với quý trước. Trong quý I/2022, 49,5% TCTD kỳ vọng kết quả hoạt động kinh doanh tăng trưởng so với quý IV/2021, trong đó chủ yếu là “tăng nhẹ”; 42,6% TCTD kỳ vọng “không đổi” và 7,9% TCTD lo ngại kết quả hoạt động kinh doanh suy giảm nhẹ. Đánh giá tổng thể năm 2021, 78,8% TCTD ước tính lợi nhuận trước thuế năm 2021 tăng trưởng dương so với năm 2020. Bên cạnh đó, 15,2% TCTD ước tính lợi nhuận tăng trưởng âm trong năm 2021 và 6% ước tính lợi nhuận không thay đổi. Tuy nhiên, dự kiến cho năm 2022, 95% TCTD kỳ vọng lợi nhuận trước thuế tăng trưởng dương, 3% kỳ vọng không đổi và 2% TCTD lo ngại lợi nhuận giảm.

Các TCTD dự báo dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng tăng 5,3% trong quý I/2022 và tăng 14,1% trong năm 2022; tỷ lệ nợ xấu có dấu hiệu “tăng nhẹ” trong quý IV/2021 nhưng kỳ vọng “giảm nhẹ” trong quý I/2022.

Trong báo cáo Chiến lược đầu tư năm 2022, nhóm nghiên cứu của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, điều kiện kinh doanh cải thiện năm 2022 sẽ giúp giảm bớt rủi ro tín dụng chung của nền kinh tế và qua đó, thúc đẩy cung và cầu tín dụng. Theo đó, hoạt động kinh tế sôi động trở lại sẽ hỗ trợ tăng trưởng huy động tiền gửi. Theo VDSC, đại dịch bùng phát cuối năm 2021 phần nào nằm ngoài dự đoán của phần lớn ngân hàng, kế hoạch trích lập dự phòng của nhiều ngân hàng bị điều chỉnh đáng kể, chứng tỏ yếu tố không chắc chắn liên quan đến dịch Covid-19. Rủi ro đáng chú ý với ngành ngân hàng trong năm 2022 là nợ xấu.

TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, làn sóng dịch Covid-19 thứ 4 cơ bản đã được kiểm soát, Việt Nam đang từng bước bắt nhịp trạng thái thích ứng an toàn với Covid-19 từ đầu quý IV/2021 tại hầu hết các tỉnh, thành; tiêm chủng được đẩy mạnh và kỳ vọng đạt tỷ lệ 70% dân số được tiêm đủ 2 mũi vào cuối quý I/2022. Tăng trưởng GDP khởi sắc trở lại từ quý IV và đạt mức 2,58% cho cả năm 2021. Nhờ đó, hoạt động kinh doanh ngành ngân hàng cũng sẽ khởi sắc hơn.

Nhìn lại năm 2021, ông Lực đánh giá, hoạt động của các ngân hàng vẫn tích cực nhờ vào một số yếu tố. Trước hết, tín dụng ở nhiều ngân hàng đã tăng trở lại từ tháng 10 và và tăng mạnh hơn trong 2 tháng cuối năm, từ đó tác động tích cực hơn lên lợi nhuận quý IV cũng như cả năm 2021. Không chỉ trông chờ vào tín dụng, nhiều ngân hàng đã gia tăng tỷ trọng tín dụng cho trái phiếu doanh nghiệp, nhờ đó cải thiện được khả năng sinh lời do lãi suất cao hơn so với cho vay trực tiếp. Ngoài ra, năm 2020 và 2021 chứng kiến sự nóng lên của các thị trường tài sản như bất động sản, chứng khoán và là một phần lý do thúc đẩy tín dụng bán lẻ tăng cao. Bên cạnh đó, các ngân hàng còn tập trung huy động tiền gửi không kỳ hạn giúp giảm chi phí vốn và đây là xu hướng chung kéo dài nhiều năm trước và kể cả trong thời gian tới. Một số ngân hàng có lợi thế về tỷ lệ huy động tiền gửi không kỳ hạn cao hơn 30%, giúp các ngân hàng này có chi phí vốn thấp, từ đó giúp gia tăng hiệu quả về cho vay.

Từ góc độ cơ quan quản lý, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, một trong những áp lực mà ngành ngân hàng phải đối mặt là nợ xấu tăng cao. “Dịch bệnh kéo dài và vẫn diễn biến phức tạp gây ra những khó khăn cho doanh nghiệp như vòng quay vốn chậm, dòng tiền đứt gãy, sụt giảm doanh thu, mất khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn, gia tăng rủi ro về thu hồi nợ với ngành ngân hàng. Nếu tính cả dư nợ của khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi suất có nguy cơ chuyển thành nợ xấu thì tỷ lệ nợ xấu hiện nay khoảng 7,31%", ông Đào Minh Tú cho biết.

Chuyên đề