Ngân hàng kỳ vọng lợi nhuận khủng năm 2021

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trước thềm đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ), nhiều ngân hàng công bố kế hoạch kinh doanh năm 2021 với mức tăng trưởng lợi nhuận cao vọt so với những năm trước. Giới chuyên gia cho rằng có nhiều yếu tố hỗ trợ cho kế hoạch này song vẫn còn không ít thách thức với ngành ngân hàng trong năm nay.
Năm 2021, động lực tăng trưởng của ngành ngân hàng có thể đến từ bảo hiểm, hoặc các phân khúc thị trường, nhóm khách hàng tiềm năng mới. Ảnh: Tường Lâm
Năm 2021, động lực tăng trưởng của ngành ngân hàng có thể đến từ bảo hiểm, hoặc các phân khúc thị trường, nhóm khách hàng tiềm năng mới. Ảnh: Tường Lâm

Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) vừa công bố kế hoạch kinh doanh năm 2021 với lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 70% so với năm trước, tương ứng khoảng 5.555 tỷ đồng. Ngân hàng cũng cho biết đã chính thức khép lại quá trình sáp nhập Habubank trong năm 2020, cơ bản hoàn tất các tồn đọng của đề án sáp nhập.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2021 sẽ đạt 13.000 tỷ đồng, tăng 44% so với năm 2020. Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) vừa công bố tài liệu ĐHĐCĐ thường niên với tăng trưởng lợi nhuận trước thuế năm 2021 kỳ vọng đạt 30%.

Đó là những con số tăng trưởng vượt trội trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Bình luận về các kế hoạch đầy tham vọng này, TS. Châu Đình Linh, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, việc đưa ra các con số dự báo tăng trưởng lợi nhuận thường được các ngân hàng thực hiện rất bài bản, dựa trên cơ sở tính toán khoa học chứ không phải theo cảm tính. “Đó là bài toán được cân nhắc rất chặt chẽ, thận trọng và khả năng đạt được là cao. Trong những trường hợp kế hoạch kinh doanh gặp thách thức lớn, các ngân hàng sẽ tìm cách giảm chi phí để đảm bảo mục tiêu lợi nhuận. Tất nhiên cũng có những trường hợp bất khả kháng buộc phải điều chỉnh các chỉ tiêu, nhưng không phổ biến”, ông Linh nói.

Cũng theo vị chuyên gia này, ngành ngân hàng đã qua một năm 2020 với nhiều bất trắc nhưng vẫn đạt kết quả tích cực và là điểm sáng của nền kinh tế. Trong năm nay, động lực tăng trưởng của ngành ngân hàng có thể vẫn là bảo hiểm, một số ngân hàng tìm kiếm phân khúc thị trường mới, nhóm khách hàng tiềm năng mới. Nhiều ngân hàng tiếp tục thực hiện tái cơ cấu, kiện toàn nguồn lực, nâng cấp công nghệ và tích cực xử lý nợ xấu.

Báo cáo triển vọng ngành ngân hàng của Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI nhận định kinh tế phục hồi sẽ thúc đẩy mở rộng bảng cân đối kế toán và ổn định chất lượng tài sản. Hệ thống ngân hàng đang ở vị thế tốt hơn so với chu kỳ tín dụng trước đây, khi hầu hết các ngân hàng đã giải quyết hết hoặc gần hết tài sản có vấn đề. Theo ước tính của SSI, tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tài sản có vấn đề đã cải thiện từ 2,48 lần và 2,30 lần trong năm 2015 và 2016, lên 6,67 lần vào năm 2020.

Năm 2021, ước tính thu nhập lãi thuần sẽ tăng 15% trong khi tăng trưởng tín dụng là 12 - 13% so với cùng kỳ năm trước. Lãi suất huy động trung bình năm 2021 có thể thấp hơn năm 2020, sẽ tiếp tục giúp các ngân hàng tiết kiệm chi phí vốn. Hoạt động kinh tế trong nước sôi động và sự phát triển của ngân hàng điện tử sẽ mở rộng hơn quy mô giao dịch thanh toán nội địa. Dịch vụ phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (Bancassurance) có vị trí vững chắc hơn trong thu nhập tài chính ròng của các ngân hàng.

Tuy nhiên, theo SSI, vẫn có một số điểm thách thức với các ngân hàng trong năm nay. Thu nhập kinh doanh ngoại hối kém thuận lợi. Nguồn cung ngoại tệ sẽ vẫn tương đối dồi dào vào năm 2021, nhưng việc Ngân hàng Nhà nước ngừng mua ngoại tệ giao ngay và chuyển sang mua ngoại tệ kỳ hạn 6 tháng có hủy ngang sẽ khiến các NHTM chịu rủi ro ngoại hối lớn hơn và tỷ giá có thể biến động nhiều hơn. Do đó, giá trị giao dịch ngoại hối có thể vẫn cao, nhưng thu nhập từ hoạt động kinh doanh này của các ngân hàng có thể giảm vào năm 2021.

Trong khi đó, theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, ngành ngân hàng vẫn có thể phải đối mặt với một số khó khăn, hạn chế trong năm nay.

Trước hết là rủi ro từ bên ngoài do kinh tế thế giới đã “ấm” dần lên song tốc độ phục hồi vẫn chưa vững chắc trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, chất lượng tài sản của hệ thống tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trước tác động tiêu cực của dịch Covid-19, bức tranh nợ xấu được dự báo sẽ kém khả quan trong năm 2020 và cả những năm tiếp theo.

Mặt khác, thách thức đối với quá trình cơ cấu lại hệ thống vẫn còn hiện hữu, đặc biệt là cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém còn gặp nhiều khó khăn, chưa đạt tiến độ yêu cầu. Vốn tự có của các ngân hàng vẫn chỉ ở mức vừa đủ và cần phải gia tăng để đáp ứng nhu cầu tương lai. “Do đó, hệ thống ngân hàng cần tiếp tục nỗ lực cơ cấu lại để nâng cao năng lực quản trị, tận dụng và tối ưu hóa các cơ hội kinh doanh để thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận bền vững”, ông Lực nói.

Chuyên đề