Ngành ngân hàng trước giai đoạn khó khăn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dịch Covid-19 đã và đang tác động đến ngành ngân hàng từ nhiều khía cạnh khác nhau. Trong đó, dự kiến lợi nhuận của ngành sẽ giảm đáng kể trong năm nay. Cuối năm 2020 và năm 2021 sẽ là thời điểm hết sức khó khăn với hệ thống ngân hàng.
Cuối năm 2020 và năm 2021 sẽ là thời điểm hết sức khó khăn với hệ thống ngân hàng do cầu tín dụng yếu và nợ xấu tăng. Ảnh: Lê Tiên
Cuối năm 2020 và năm 2021 sẽ là thời điểm hết sức khó khăn với hệ thống ngân hàng do cầu tín dụng yếu và nợ xấu tăng. Ảnh: Lê Tiên

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tín dụng toàn nền kinh tế đến 30/9/2020 tăng 6,09% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ năm 2019 tăng 9,4%). Về tăng trưởng tín dụng theo ngành kinh tế, dư nợ ngành thương mại, dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn, đạt 63%, có mức tăng trưởng tín dụng cao nhất (khoảng 6,32%); dư nợ ngành công nghiệp, xây dựng ước tăng 5,89%, chiếm tỷ trọng 28,75%; tín dụng đối với ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 8,66%, ước tăng 5,09%.

Theo NHNN, trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, kết quả tín dụng 9 tháng đầu năm 2020 đã góp phần hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm của cả nước. Cơ quan này kỳ vọng tín dụng những tháng cuối năm sẽ tiếp tục có mức tăng khá, dự kiến cả năm 2020 có khả năng tăng 8 - 10%, góp phần cung ứng vốn cho nền kinh tế, khôi phục sản xuất kinh doanh.

Trong khi đó, theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, dịch Covid-19 đang tác động tới ngành ngân hàng từ nhiều khía cạnh khác nhau, cuối năm 2020 và năm 2021 sẽ là thời điểm hết sức khó khăn đối với ngành. Trước hết, Covid-19 làm yếu sức cầu, khiến tăng trưởng tín dụng thấp hơn đáng kể so với mức tăng cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, chất lượng tài sản xấu hơn do nợ xấu tăng, nợ xấu nội bảng có thể lên đến 3% cuối năm 2020 và 4% trong năm 2021 trong khi xử lý nợ xấu khó khăn hơn. Đáng chú ý, lợi nhuận của ngành ngân hàng năm nay dự kiến sẽ giảm khoảng 20 - 25% so với năm ngoái.

Để vượt qua khó khăn trong giai đoạn tới, theo ông Lực, ngân hàng cần sự hỗ trợ từ các cơ quan điều hành chính sách. Cụ thể, cần sự đồng hành quyết liệt hơn trong việc sửa Thông tư 01/2020/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ do ảnh hưởng dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, ngân hàng cần sự hỗ trợ nhiều hơn nữa từ phía NHNN qua việc đẩy mạnh cho vay tái cấp vốn nhằm giảm chi phí đầu vào, qua đó tăng tiềm lực để xử lý nợ xấu và cho vay nhiều hơn.

Đồng thời, phí bảo hiểm tiền gửi hiện tương đối lớn, nếu được giảm sẽ có nguồn lực tốt hơn để hỗ trợ khách hàng, phù hợp với tình hình miễn, giảm phí cho khách hàng.

Từ phía cơ quan điều hành, ông Trần Đăng Phi, Phó Chánh Thanh tra, Cơ quan Thanh tra, giám sát NHNN cho biết, cơ quan này đang phối hợp với các bộ, ngành để thống nhất sửa Thông tư 01 theo hướng đảm bảo an toàn cho các ngân hàng.

Về bảo hiểm tiền gửi, theo ông Phi, nội dung này được quy định tại Luật Bảo hiểm tiền gửi nên không thể sửa trong ngày một ngày hai. NHNN đang báo cáo Chính phủ về các mặt tích cực và những điểm hạn chế để đề xuất hướng sửa đổi phù hợp.

Mặt khác, ngày 30/9, NHNN đã phát đi thông cáo tiếp tục điều chỉnh các loại lãi suất điều hành để hỗ trợ nền kinh tế ứng phó với đại dịch Covid-19. Theo đó, NHNN quyết định giảm lãi suất tái cấp vốn từ 4,5%/năm xuống 4,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 3,0%/năm xuống 2,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng từ 5,5%/năm xuống 5,0%/năm. NHNN cũng điều chỉnh giảm lãi suất chào mua giấy tờ có giá thông qua nghiệp vụ thị trường mở từ 3,0%/năm xuống 2,5%/năm.

NHNN cho biết, từ đầu năm đến nay, thực hiện chủ trương và chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các giải pháp, chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với đại dịch Covid-19, NHNN đã điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ và giảm mặt bằng lãi suất thị trường, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Chuyên đề