Động lực nào cho tăng trưởng tín dụng cuối năm?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đến giữa tháng 9, tăng trưởng tín dụng mới đạt 4,81%, song nhiều ý kiến dự đoán là tăng trưởng tín dụng cả năm nay có thể đạt gần 9 - 10% nhờ các động lực vay vốn và giải ngân mạnh hơn trong quý còn lại của năm 2020.
Tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên như: xuất khẩu; nông nghiệp, nông thôn; doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ảnh: Lê Tiên
Tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên như: xuất khẩu; nông nghiệp, nông thôn; doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ảnh: Lê Tiên

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, mặc dù nguồn vốn và thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) dồi dào, sẵn sàng cung cấp đủ, kịp thời tín dụng cho nền kinh tế, nhưng do nhu cầu rất thấp trước tác động của dịch Covid-19 nên tín dụng tăng chậm so với cùng kỳ năm 2019.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc NHNN cho biết, 2 tháng đầu năm 2020, tín dụng tăng chậm (cuối tháng 1 tăng 0,01%, cuối tháng 2 tăng 0,2%). Tuy nhiên, nhờ việc triển khai đồng bộ, kịp thời các giải pháp hỗ trợ khách hàng, nhu cầu tín dụng có dấu hiệu hồi phục từ tháng 3. Đến cuối tháng 8/2020, tăng trưởng tín dụng đạt 4,75% và đến ngày 16/9 đạt 4,81%. Đáng chú ý, tín dụng vẫn tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên như: xuất khẩu (tăng 4%); nông nghiệp, nông thôn (tăng 3,29%); doanh nghiệp nhỏ và vừa (tăng 3%)...

Cũng theo ông Nguyễn Tuấn Anh, dịch Covid-19 tác động mạnh đến mọi lĩnh vực của nền kinh tế và tác động lớn nhất với ngân hàng là cầu tín dụng rất thấp. Dù các ngân hàng đưa ra nhiều gói tín dụng lãi suất thấp và NHNN cũng nới room cho tất cả các ngân hàng có nhu cầu và có khả năng tăng trưởng tín dụng, song số lượng khách hàng vẫn ít. Tổng số dư nợ tín dụng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 lên tới 25%.

Với sự chỉ đạo của NHNN, thời gian qua, các ngân hàng thương mại triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ khách hàng. Đặc biệt, tính đến 14/9/2020, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 271 nghìn khách hàng với dư nợ 321 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho gần 485 nghìn khách hàng với dư nợ 1,18 triệu tỷ đồng; đặc biệt, các TCTD đã cho 310 nghìn khách hàng vay mới lãi suất ưu đãi (thấp hơn phổ biến từ 0,5 - 2,5% so với trước dịch) với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt 1,6 triệu tỷ đồng.

Liên quan đến nội dung này, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng chia sẻ: "Đầu năm 2020, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% nhưng do tác động của đại dịch Covid-19 nên nhu cầu vốn rất thấp. NHNN sẽ cân nhắc điều chỉnh mức tăng trưởng tín dụng đối với từng TCTD".

Bình luận về tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến nay, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính thuộc Bộ Tài chính cho rằng, mức định hướng 14% là hoàn toàn không thể đạt được trong năm nay, tuy nhiên, từ nay đến cuối năm có nhiều động lực để hỗ trợ giải ngân vốn vay của các TCTD để đẩy tổng mức tăng trưởng tín dụng của cả năm lên khoảng 9 - 10%. Đó là, mặt bằng lãi suất tiếp tục có xu hướng giảm, nhiều ngân hàng thực hiện các chương trình cho vay hỗ trợ khó khăn do dịch Covid-19 giúp các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận vốn hơn. Đồng thời, nỗ lực vừa kiểm soát dịch bệnh vừa thúc đẩy hồi phục kinh tế của Chính phủ giúp cộng đồng doanh nghiệp có thêm niềm tin vào sự hồi phục kinh tế nên có thể tính đến việc vay vốn phục vụ cho các phương án kinh doanh trong thời gian tới.

Cùng quan điểm, nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng hoạt động cho vay sẽ được thúc đẩy bởi một số yếu tố. Trước hết, tác động của đợt bùng phát Covid-19 thứ hai ít nghiêm trọng hơn đợt đầu tiên. Hơn nữa, vắc-xin đang được thử nghiệm ở các quốc gia khác, nếu thành công, sẽ cho phép các chính phủ tự tin mở lại biên giới, thúc đẩy hoạt động sản xuất và kinh doanh, cải thiện hoạt động thương mại và sản xuất, thúc đẩy các ngành dịch vụ, ví dụ như du lịch.

Bên cạnh đó, việc cắt giảm lãi suất điều hành giúp các ngân hàng giảm áp lực về chi phí vốn, từ đó giảm lãi suất cho vay thúc đẩy các doanh nghiệp vay mới phục hồi sản xuất kinh doanh. Đồng thời, việc thúc đẩy đầu tư công sẽ tạo ra việc làm, gián tiếp thúc đẩy nhu cầu tín dụng. VNDirect cũng kỳ vọng đầu tư công trong năm 2021 sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ để hỗ trợ tăng trưởng. Từ đó, công ty này dự báo tăng trưởng tín dụng sẽ đạt mức 9% năm 2020 và phục hồi ở mức 13% vào năm 2021.

Chuyên đề