Nhà băng vẫn lạc quan với tăng trưởng tín dụng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Mức tăng trưởng huy động vốn vượt xa tăng trưởng tín dụng trong nửa đầu năm nay cho thấy các nhà băng đang rất dè dặt cho vay và nhu cầu vốn tín dụng của các doanh nghiệp không cao.
Nhiều nhà băng vẫn đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2020 khá cao với kỳ vọng hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ khôi phục trong thời gian tới. Ảnh: Lê Tiên
Nhiều nhà băng vẫn đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2020 khá cao với kỳ vọng hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ khôi phục trong thời gian tới. Ảnh: Lê Tiên

Có ý kiến cho rằng, cần thận trọng với các chính sách hỗ trợ và nên chấp nhận một mức tăng trưởng tín dụng khiêm tốn trong năm nay.

Số liệu được Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/6 cho biết, tính đến 19/6/2020, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 4,35% (cùng thời điểm năm 2019 tăng 6,09%). Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 2,45% (cùng thời điểm năm 2019 tăng 6,22%) và là mức tăng trưởng tín dụng thấp nhất trong các năm 2016 - 2020.

Bình luận về mức tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến nay, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính Việt Nam cho rằng, mức tăng trưởng đó phản ánh đúng tình trạng cung cầu tín dụng trên thị trường trong thời gian qua dưới tác động của dịch Covid-19.

Theo đó, diễn biến dịch bệnh ở các nước khác vẫn còn phức tạp, tác động bất lợi đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp không mở rộng sản xuất, kinh doanh nên không có nhu cầu vay vốn. Đồng thời, các ngân hàng có sẵn nguồn vốn nhưng không dám cho vay vì e ngại rủi ro.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, mức tăng trưởng tín dụng định hướng cho năm 2020 được đặt ra từ cuối năm 2019 là khoảng 14%. Tuy nhiên, nhu cầu tín dụng hiện rất thấp do các doanh nghiệp đang thực hiện cơ cấu lại nợ thay vì vay mới, có ngân hàng vẫn tăng trưởng tín dụng ở mức âm song cũng có ngân hàng tăng trưởng tích cực.

Trong khi đó, số liệu từ đại hội cổ đông của một số ngân hàng cho thấy, nhiều nhà băng vẫn đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng khá cao trong năm nay với kỳ vọng hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ khôi phục trong thời gian tới.

Cụ thể, theo tài liệu Đại hội đồng cổ đông năm 2020 diễn ra hôm nay (ngày 30/6), Hội đồng quản trị Ngân hàng VIB thống nhất thông qua việc trình Đại hội đồng cổ đông kế hoạch tăng trưởng tín dụng dự kiến tăng 24% (phụ thuộc phê duyệt của NHNN).

Mức tăng trưởng tín dụng khá cao cũng được nhiều ngân hàng khác đặt ra cho năm 2020. TPBank đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 15%; Techcombank đặt kế hoạch là 13% hoặc cao hơn trong hạn mức NHNN cho phép; VPBank đặt mục tiêu 12,3%. Con số này tại ACB là 11,75%, bằng đúng chỉ tiêu đã được NHNN phê duyệt. Sacombank đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 11%.

Trong khi đó, Vietcombank cho biết, tính đến ngày 25/6, tăng trưởng tín dụng đạt 3,4% so với cuối năm 2019 và đặt kế hoạch tăng trưởng tín dụng cả năm nay khoảng 10%.

Về chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng, bà Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN sẽ tính toán và cân nhắc việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của từng ngân hàng dựa trên việc kiểm soát rủi ro chặt chẽ để bảo đảm an toàn cho cả hệ thống.

Về các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, theo ông Nguyễn Đức Độ phân tích, nếu tăng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp bằng việc hạ chuẩn cho vay thì sẽ dẫn đến rủi ro nợ xấu, còn hạ lãi suất thì ngân hàng khó thực hiện khi lãi suất huy động vẫn chưa thể giảm. Do đó, việc giữ chuẩn cấp tín dụng và hỗ trợ lãi suất thực tế với một số lĩnh vực ưu tiên là hợp lý trong bối cảnh hiện nay và đành chấp nhận một chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng thấp hơn định hướng ban đầu.

Về các gói hỗ trợ khôi phục kinh tế, vị Phó Viện trưởng cho rằng đã khá toàn diện nên muốn tăng hiệu quả thì chỉ có cách tăng quy mô và liều lượng, nhưng điều đó sẽ đặt ra thách thức rất lớn với nguồn ngân sách nhà nước không dư dả. Do đó, sự thận trọng trong điều hành và cân nhắc các chính sách là rất cần thiết trong thời điểm hiện nay.

Chuyên đề