Lãi suất giảm, tăng trưởng tín dụng sẽ khả quan?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục giảm lãi suất điều hành, các tổ chức tín dụng cũng có xu hướng giảm dần lãi suất huy động và cho vay. Tuy nhiên, mức tăng trưởng tín dụng trong cả năm nay được dự báo sẽ không cao và cần tiếp tục thực hiện các giải pháp khác để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

NHNN vừa giảm thêm 0,2 - 0,5%/năm một số loại lãi suất điều hành từ ngày 1/8. Đây là lần thứ 3 trong năm 2020, NHNN tiến hành điều chỉnh giảm các loại lãi suất, sau lần điều chỉnh vào tháng 3 và tháng 5. Theo NHNN, các quyết định điều chỉnh lãi suất trên đây được ban hành nhằm phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô cũng như mặt bằng lãi suất trên thị trường.

Trước khi có quyết định giảm lãi suất lần thứ 3, mặt bằng lãi suất tiền gửi tại các tổ chức tín dụng đã có xu hướng giảm ở tất cả các kỳ hạn. Trong 7 tháng đầu năm, mặt bằng lãi suất tiền gửi đã hạ xuống thấp hơn từ 1 - 2% so với cuối năm 2019 ở phần lớn các ngân hàng thương mại. Tính bình quân, lãi tiền gửi đã giảm 70 - 90 điểm cơ bản ở kỳ hạn dưới 12 tháng và giảm khoảng 100 điểm cơ bản ở các kỳ hạn trên 1 năm so với mức bình quân năm 2019.

Về triển vọng lãi suất từ nay đến cuối năm, nhóm nghiên cứu của Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) kỳ vọng, tín dụng trong nửa cuối năm sẽ cải thiện so với 6 tháng đầu năm. Tuy vậy, mức độ cải thiện sẽ không quá lớn, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 mới quay trở lại Việt Nam khiến các doanh nghiệp duy trì quan điểm thận trọng về triển vọng kinh doanh, qua đó hạn chế mở rộng sản xuất.

Cùng quan điểm trên, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) cho rằng, yếu tố có tác động lớn nhất đến tốc độ tăng trưởng tín dụng là diễn biến của dịch bệnh chứ chưa hẳn là xu hướng giảm lãi suất trên thị trường.

“NHNN đã rất nỗ lực thực hiện các chính sách điều hành phù hợp để giảm mặt bằng lãi suất và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng, song doanh nghiệp quyết định vay vốn hay không còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác. Trong bối cảnh sản xuất kinh doanh chưa hồi phục mạnh và triển vọng chưa rõ ràng thì dù lãi suất cho vay thấp, doanh nghiệp vẫn chần chừ. Do đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng sắp tới vẫn sẽ chậm và dự báo khó có thể vượt qua mức 10% trong cả năm nay”, ông Độ nhấn mạnh.

Còn theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, việc các tổ chức tín dụng giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay là dễ hiểu, bởi thực tế hiện nay, mức huy động tiền của hệ thống ngân hàng tăng cao hơn mức tăng trưởng tín dụng, tức là thanh khoản của các tổ chức tín dụng đang dồi dào. Do đó, để cân bằng giữa nguồn vốn đầu vào và vốn giải ngân cho vay, các ngân hàng có xu hướng phanh dần đà huy động vốn. Bên cạnh đó, trong bối cảnh áp lực lạm phát đang giảm dần, kỳ vọng lạm phát được kiểm soát dưới 4% là dấu hiệu thuận lợi để giảm lãi suất đầu vào, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng giảm dần lãi suất cho vay. Về động thái giảm lãi suất của NHNN, theo ông Lực, chỉ có tính khuyến khích chứ không tác động nhiều tới việc giảm lãi suất trên thị trường.

Để hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, theo TS. Nguyễn Đức Độ, cần tăng cường sự phối hợp từ các yếu tố khác như tiếp tục hỗ trợ về thuế, an sinh xã hội, tăng cường tạo điều kiện để doanh nghiệp kinh doanh thuận lợi, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, lựa chọn các lĩnh vực tiềm năng để có các chính sách hỗ trợ đặc thù và phù hợp.

Tương tự, theo phân tích của ông Lực, thực tế, lãi suất không phải là điểm nghẽn của dòng vốn, bởi từ đầu năm đến nay lãi suất giảm mà tín dụng vẫn tăng rất chậm. Do đó, nên tiếp tục thực hiện các giải pháp khác để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường, khôi phục sản xuất kinh doanh và quan trọng hơn hết là kiểm soát dịch bệnh để người dân và doanh nghiệp yên tâm.

Chuyên đề