Nhiều ngân hàng công bố lợi nhuận quý I/2021 tăng trưởng vượt trội so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Song Lê |
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 mới đây, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cho biết, lợi nhuận quý I/2021 là 3.100 tỷ đồng, tăng vọt so với mức 1.925 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, ngân hàng này đã thu được 700 tỷ đồng từ việc đầu tư vào trái phiếu trong năm 2020.
Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) cũng công bố lợi nhuận quý I/2021 ước đạt 1.200 tỷ đồng, cao gấp 4 lần cùng kỳ năm ngoái. Ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng giám đốc MSB cho biết, MSB là một trong những ngân hàng chịu ít tác động nhất bởi dịch Covid-19 với dư nợ quá hạn cơ cấu lại theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN ở mức thấp. Ngân hàng này đã hoàn tất ký thoả thuận hợp tác độc quyền với Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam và bắt đầu triển khai hoạt động bảo hiểm liên kết ngân hàng (bancassurance) từ 1/4/2021, dự kiến thu ngoài lãi sẽ còn tăng mạnh. Bên cạnh đó, Ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện định hướng chiến lược tập trung cho mảng khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa, khách hàng cá nhân và ngân hàng số…
Ở nhóm các ngân hàng có vốn nhà nước chi phối, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) công bố lợi nhuận ước tính quý I khoảng 7.000 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước. Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) cũng ước tính lãi trước thuế quý I đạt khoảng 7.000 - 8.000 tỷ đồng, cao hơn 135 - 175% so với cùng kỳ năm trước.
Bình luận về diễn biến lợi nhuận ngành ngân hàng, TS. Châu Đình Linh, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, trong quý I năm nay, ngành ngân hàng tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế với lợi nhuận tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này có được là nhờ các nhà băng tiếp tục khai thác và phát triển tốt cơ sở khách hàng, những động lực kinh doanh liên tục được cải thiện. Đơn cử, nhiều ngân hàng đẩy mạnh dịch vụ bancassurance và “gặt hái” lợi nhuận đáng kể. Bên cạnh đó, lợi nhuận của ngân hàng còn được ghi nhận từ các động lực mới như hoạt động đầu tư tài chính từ thị trường cổ phiếu, trái phiếu, kinh doanh ngoại tệ.
“Xu hướng tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng trong quý I và cả năm nay sẽ dựa trên những động lực chủ chốt như trên và đó là những động lực tích cực cần được tiếp tục phát huy”, ông Linh nói.
Theo ông Linh, lợi nhuận của nhiều ngân hàng cũng tăng trưởng tốt từ việc bán ra các tài sản thế chấp là cổ phiếu nhờ thị trường chứng khoán khả quan. Mặt khác, Thông tư 03/2021/TT-NHNN cho phép gia hạn trích lập dự phòng trong 3 năm 2021 - 2024 với các khoản vay được giãn thời hạn trả nợ cũng góp phần giữ lợi nhuận ở mức cao.
Dù vậy, vị chuyên gia này cho rằng, ngành ngân hàng vẫn có thể gặp rủi ro từ sự “hưng phấn” thái quá với việc đầu tư vào thị trường tài chính, do đó cần cẩn trọng kiểm soát rủi ro với các khoản vay và đầu tư trên thị trường này. Hơn nữa, bức tranh lợi nhuận và rủi ro của các ngân hàng có thể hiện rõ hơn khi việc gia hạn trích lập dự phòng theo Thông tư 03 kết thúc vào năm 2024.
Theo kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh quý II/2021 vừa được Vụ Dự báo, Thống kê thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố, tại thời điểm cuối quý I/2021, các tổ chức tín dụng (TCTD) nhận định: “Nhu cầu vay vốn phục hồi mạnh hơn, nhu cầu gửi tiền, thanh toán tiếp tục cải thiện nhưng tốc độ chậm lại. Các TCTD điều chỉnh tăng kỳ vọng đối với nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng trong quý II/2021, trong đó nhu cầu vay vốn được kỳ vọng tăng nhiều hơn nhu cầu gửi tiền và thanh toán”.
Cuộc điều tra được tiến hành từ ngày 25/2/2021 đến ngày 12/3/2021, đối tượng là toàn bộ các TCTD và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, tỷ lệ trả lời đạt 96,4%.
Các TCTD cho biết, trong quý I/2021, các nhân tố chủ quan và khách quan tiếp tục có những tác động tích cực hơn đến tình hình kinh doanh của hệ thống ngân hàng so với quý trước.
Cũng theo kết quả điều tra, cầu của nền kinh tế đối với sản phẩm, dịch vụ của TCTD dự kiến tiếp tục phục hồi mạnh mẽ sau các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ và NHNN. Trong khi đó, điều kiện kinh doanh và tài chính của khách hàng cùng với chính sách tín dụng, lãi suất và tỷ giá của NHNN được kỳ vọng là những nhân tố quan trọng nhất giúp cải thiện tình hình kinh doanh của TCTD trong năm 2021.
Bên cạnh đó, cạnh tranh giữa các TCTD là yếu tố có thể làm suy giảm kết quả kinh doanh của các TCTD trong quý I/2021 và dự kiến có thể tiếp diễn trong cả năm 2021. Có 74,8% các TCTD tham gia điều tra kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn trong quý II/2021 và 76,6% các TCTD kỳ vọng cải thiện hơn trong cả năm 2021.