Hàng loạt ngân hàng đang đẩy mạnh hoạt động chào bán cổ phiếu cho cho nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh: Minh Dũng |
Kế hoạch tiếp tục bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài của nhiều ngân hàng trong năm 2024 được nhận định sẽ khá khó khăn. Giới phân tích cho rằng, bên cạnh ảnh hưởng tiêu cực từ sự trầm lắng của thị trường vốn thế giới do chính sách thắt chặt tiền tệ, việc các nhà đầu tư ngoại chưa mặn mà với thị trường ngân hàng Việt Nam còn do vấn đề giới hạn tỷ lệ sở hữu và tính minh bạch trong quản trị rủi ro của hệ thống ngân hàng.
Tại Báo cáo thường niên gần nhất, Ngân hàng MBBank cho biết hiện có 580 cổ đông nước ngoài, sở hữu tổng cộng 2,5 triệu cổ phiếu, tương đương 0,06% vốn điều lệ. MBBank chưa có cổ đông lớn, cổ đông chiến lược nước ngoài, trong khi tỷ lệ sở hữu tối đa nhà đầu tư ngoại được phép tại MBBank là 23,23%. Ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch MBBank cho biết, trong thời gian tới, ngân hàng tiếp tục tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược phù hợp để thực hiện chào bán thêm khoảng 60 triệu cổ phiếu theo hình thức riêng lẻ.
Ngân hàng HDBank cho biết đã có những chuẩn bị cần thiết cho đối tác chiến lược, dành khoảng 10% room ngoại cho việc phát hành tăng vốn trong năm 2024. Kế hoạch bán vốn cho nhà đầu tư chiến lược có thể triển khai khi điều kiện thị trường thuận lợi và ngân hàng tìm được đối tác phù hợp.
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết tiếp tục thực hiện kế hoạch phát hành riêng lẻ 6,5% vốn điều lệ cho nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2024. Kế hoạch này từng được Ban lãnh đạo Vietcombank đề cập từ năm 2019 nhưng đến nay chưa thực hiện thành công.
Tương tự, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã lùi thời gian thực hiện phương án tăng vốn năm 2023 sang năm 2024. Theo đó, BIDV dự kiến chào bán riêng lẻ hoặc chào bán ra công chúng hơn 455 triệu cổ phiếu theo phương án đã được ĐHĐCĐ thường niên 2022 thông qua (dự kiến 9% vốn điều lệ tại ngày 31/12/2022). Trước đó, tháng 11/2019, Ngân hàng KEB Hana Bank (Hàn Quốc) đã chi ra khoảng 20.300 tỷ đồng để sở hữu 603,3 triệu cổ phần tương ứng 15% vốn của BIDV, tương đương mức giá khoảng 33.650 đồng/CP BID.
Theo TS. Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM, việc bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài của các ngân hàng thương mại có thể sẽ tiếp tục khó thực hiện trong năm nay bởi cả lý do khách quan và chủ quan. Về khách quan, thị trường vốn toàn cầu đang trong giai đoạn rất khó khăn do chính sách thắt chặt tiền tệ, lượng vốn khan hiếm nên các nhà đầu tư hết sức cân nhắc cơ hội đầu tư. Thậm chí, nhà đầu tư có xu hướng rút vốn từ thị trường mới nổi về thị trường phát triển, đặc biệt khi các thị trường phát triển có mức lãi suất khá cao.
Việc nới giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại một số ngân hàng thương mại lên mức 49% được kỳ vọng làm tăng sức hấp dẫn đối với dòng vốn ngoại. Ảnh: Song Lê |
Về chủ quan, quy định về hạn chế tỷ lệ sở hữu tối đa của cổ đông ngoại tại các ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam vẫn là rào cản đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài chỉ có thể sở hữu tối đa 30% vốn điều lệ của một ngân hàng thương mại cổ phần tại Việt Nam, trừ một số trường hợp đặc biệt. Theo quy định tại Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), trong vòng 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực (1/8/2020), Việt Nam cam kết sẽ xem xét cho phép các tổ chức tín dụng EU được nâng mức nắm giữ lên tối đa 49% vốn điều lệ của 2 ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam. Cam kết này không áp dụng với 4 ngân hàng thương mại nhà nước (BIDV, Vietcombank, VietinBank và Agribank).
“Việc nới giới hạn tỷ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài tại một số ngân hàng thương mại lên mức 49% có thể làm tăng sức hấp dẫn, song chiến lược bán vốn nhỏ giọt của các ngân hàng thương mại sẽ là rào cản với các nhà đầu tư nước ngoài”, ông Huân nói.
Ở khía cạnh khác, theo TS. Nguyễn Hữu Huân, các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến khối ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước (Big 4), bởi từ thực tế vụ SCB và các ngân hàng chịu sự kiểm soát đặc biệt cho thấy, nhiều nhà băng hoạt động kém hiệu quả, nhiều rủi ro.
Từng tham gia điều hành ngân hàng và cố vấn cho một số nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, quá trình bán vốn của các ngân hàng cho các nhà đầu tư nước ngoài bị hạn chế bởi quy định về tỷ lệ sở hữu. Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư nước ngoài yêu cầu chuẩn mực quản trị rất khắt khe nên nhiều ngân hàng Việt Nam vẫn chưa thực sự hấp dẫn với họ.
Mặt khác, theo ông Hiếu, thị trường tài chính Việt Nam hiện có một số điểm khiến giới đầu tư nước ngoài “băn khoăn”. Đó là vụ đại án Vạn Thịnh Phát liên quan đến Ngân hàng SCB đang được xét xử cho thấy tính minh bạch trong quản trị ngân hàng vẫn còn yếu kém. “Tôi đã từng hỏi một số nhà đầu tư nước ngoài về triển vọng hoạt động của vài ngân hàng trong nước sau khi họ nghiên cứu báo cáo tài chính và đánh giá về năng lực quản trị, họ đều trả lời “phải chờ và xem” bởi họ chưa thực sự tin tưởng”, ông Hiếu nhấn mạnh. Do đó, để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tham gia hệ thống ngân hàng Việt Nam, cần tăng tính minh bạch, và đáng tin cậy trong quản trị rủi ro của hệ thống ngân hàng.