Nên chọn người trẻ ứng cử đại biểu Quốc hội

Theo ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ứng cử viên đại biểu Quốc hội thuộc Hội nghề nghiệp thì Luật không giới hạn độ tuổi. Tuy nhiên, các Hội nghề nghiệp nên cân nhắc, chọn đại biểu trẻ tuổi, có sức khoẻ “chinh chiến” trong 5 năm.
Ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch Uỷ ban T.Ư MTTQ Việt Nam. Ảnh Hoàng Long.
Ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch Uỷ ban T.Ư MTTQ Việt Nam. Ảnh Hoàng Long.

Sáng 24/2, Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương (T.Ư) Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tổ chức Hội nghị hướng dẫn cách tiến hành giới thiệu người ứng cử đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở T.Ư.

Ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch Uỷ ban T.Ư MTTQ Việt Nam cho hay, theo quy định thì các cơ quan, tổ chức, đơn vị, Hội nghề nghiệp không nhất thiết cứ phải giới thiệu cấp trưởng ứng cử đại biểu QH, mà có thể giới thiệu cấp phó.

Bên cạnh đó, dù luật không quy định “giới hạn” độ tuổi của các ứng cử viên thuộc Hội nghề nghiệp nhưng theo ông Pha nên giới thiệu những người cao tuổi, sức khoẻ yếu. “Cái này cần phải cân nhắc, lưu ý vì một khoá QH là 5 năm, không có sức khoẻ là không “chinh chiến” được đâu”, ông Pha nói.

Ông Pha dẫn chứng, trong nhiệm kỳ trước, một số Hội giới thiệu người ứng cử cao tuổi nên khi đi dự Hội nghị tiếp tiếp xúc cử tri không đảm bảo sức khoẻ, cuối cùng bị trượt.

“Cấp trưởng yếu, không đủ sức khoẻ thì nên giới thiệu cấp phó có sức khoẻ, sự trẻ trung, chứ không nên “cố”. Tôi nghĩ các Hội nên chú ý giới thiệu người trẻ, có sức khoẻ”, ông Pha khuyến nghị.

Ông Trần Tình, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam phản ánh thực tế là trong kỳ bầu cử QH khoá XIII, Hội đã giới thiệu một ứng cử viên tiêu biểu nhưng tuổi cao. Khi đi tiếp xúc cử tri thì nhiều ý kiến đề nghị “các cụ già rồi nên nghỉ để cho lớp trẻ làm”. 

Một phản ánh nữa cũng được nhiều đại biểu nêu ra là sự “thua thiệt” của các ứng cử viên do MTTQ giới thiệu với các đơn vị khác. Nhiều ý kiến đề nghị cần tạo nhiều “cửa” để các ứng cử viên chọn lựa về địa phương này, địa phương kia.

“Đại biểu T.Ư thì đưa về địa phương để ứng cử nên “rớt” khá nhiều. Bởi tâm trạng hiện nay là địa phương không mặn mà với đại biểu T.Ư nên cần phải cân nhắc”, ông Trần Tình nói.

Tuy nhiên, ông Pha cho biết, những tỉnh “lành” thì thường có rất nhiều người đăng ký ứng cử, còn những miền “đất dữ” thì tỷ lệ người đăng ký rất thấp. Do đó, việc trúng cử hay không phụ thuộc hoàn toàn vào khả năng tranh cử, vận động của ứng cử viên và lá phiếu của cử tri.

Chuyên đề