Giảm đại biểu khối hành pháp, tăng chuyên trách

Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương (T.Ư) MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV. 
Ông Lê Truyền.
Ông Lê Truyền.

Tại Hội nghị nhiều đại biểu đề nghị tăng số lượng đại biểu chuyên trách và giảm số lượng cơ cấu đại biểu ở khối hành chính để tránh tình trạng nghị trường có nhiều “ghế trống” vì lãnh đạo bận điều hành không đi dự họp. 

Đi họp hết, ở nhà ai điều hành?

Theo bà Nguyễn Thị Nương, Trưởng ban Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự kiến cơ cấu, thành phần ĐBQH khóa XIV ở cơ quan T.Ư gồm 198 người. Trong đó, các cơ quan Đảng 11 đại biểu, cơ quan Chủ tịch nước 3 đại biểu, Chính phủ 18 đại biểu, các cơ quan của Quốc hội (đại biểu chuyên trách ở T.Ư) 114 đại biểu. Số đại biểu thuộc cơ cấu địa phương là 302 (tổng số đại biểu Quốc hội là 500 người).

Phân tích về cơ cấu trên, ông Đỗ Duy Thường, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ cho rằng chưa hợp lý. “Việc Chính phủ có đến 18 đại biểu là quá lớn. Quốc hội khóa XIII có nhiều phiên đại biểu vắng họp, ghế trống quá nhiều, trong đó nhiều đại biểu thuộc cơ quan hành pháp nghỉ họp vì bận điều hành”, ông Thường nói và đề nghị cần điều chỉnh giảm số lượng đại biểu thuộc cơ quan hành pháp xuống, để tăng số đại biểu chuyên trách lên.

Tại sao bộ trưởng cứ nhất thiết phải vào Quốc hội. Bộ trưởng, lãnh đạo tỉnh, thành nhiều việc vô cùng, nếu mà lại làm Đại biểu Quốc hội nữa thì quán xuyến công việc sao xuể”Ông Lê Truyền, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ
Đồng tình với quan điểm trên, ông Lê Truyền, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ cho biết, Chỉ thị của Bộ Chính trị đã nêu rõ là giảm đại biểu cơ quan hành chính, tăng đại biểu chuyên trách lên. Tuy nhiên nhìn vào danh sách cơ cấu đại biểu thì thấy, khối cơ quan hành chính chưa giảm nên đại biểu chuyên trách tăng thêm có 15 người: “Trong cơ cấu cơ quan Chủ tịch nước có đến 3 đại biểu là chưa thực sự phù hợp. Nếu cả lãnh đạo là Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước đều vào Quốc hội họp hết thì ai sẽ giải quyết công việc hàng ngày ở cơ quan đây?”, ông Truyền nêu câu hỏi.

Tương tự, đối với các cơ quan thuộc Chính phủ, ông Truyền cũng đề nghị giảm xuống nữa. “Tại sao bộ trưởng cứ nhất thiết phải vào Quốc hội. Bộ trưởng, lãnh đạo tỉnh, thành nhiều việc vô cùng, nếu mà lại làm ĐBQH nữa thì quán xuyến công việc sao xuể”, ông Truyền nêu quan điểm. Ông Trần Hoàng Thám, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam thì thẳng thắn đề nghị giảm số lượng đại biểu bên Chính phủ từ 18 xuống còn 9 người. “Chính phủ bận lắm, giảm xuống như thế để còn thời gian mà làm việc, chỉ đạo điều hành chứ”, ông Thám nói.

Trước các ý kiến nêu trên, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho biết, sẽ báo cáo Bộ Chính trị về vấn đề trên để xem xét giảm cơ cấu đại biểu ở các cơ quan hành chính xuống mức phù hợp.

Cơ cấu doanh nhân 7 người là quá ít

Theo ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII vừa qua đã đề ra một yêu cầu hết sức quan trọng là đổi mới hệ thống chính trị. Trong đổi mới chính trị thì việc đổi mới công tác cán bộ là khâu hết sức quan trọng. Tuy nhiên, nhìn vào cơ cấu đại biểu ĐBQH khóa XIV thì ngoài việc tăng 15 đại biểu chuyên trách so với nhiệm kỳ trước, các cơ cấu còn lại vẫn giữ nguyên, không thấy có đổi mới gì. “Chúng ta cứ giữ nguyên như cũ thì liệu có thực hiện được chủ trương của Đảng về đổi mới tổ chức, bộ máy trong hệ thống chính trị không?”, ông Túc băn khoăn.

Ông Lý Ngọc Minh, Ủy viên Đoàn Chủ tịch cũng băn khoăn về việc cơ cấu đại biểu khối doanh nhân quá ít (7 người). “Đại hội Đảng toàn quốc vừa qua đã xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của đất nước. Thế mà cơ cấu lần này chỉ cho có 7 người vào QH thì đâu có phải là quan trọng. Nếu chúng ta muốn đổi mới đất nước, thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển thì phải đưa doanh nhân vào QH nhiều hơn nữa”, ông Minh đề nghị.

Nhận xét về cơ cấu 35 đại biểu người ngoài Đảng, ông Lù Văn Que, Ủy viên Đoàn Chủ tịch cho rằng “ít quá”. “Họp QH đâu phải hội nghị đảng viên mở rộng, trong khi chúng ta có nhiều người ngoài đảng ưu tú, chứ không phải tất cả là trong Đảng. Tôi thấy tăng lên 100 người ngoài Đảng là hợp lý, chúng ta hoàn toàn chọn được người đủ tiêu chuẩn. Đảng ta có 4,5 triệu đảng viên mà chọn đến 470 người là không hợp lý”, ông Que nói. Ông Trần Hoàng Thám cũng đề nghị có cơ cấu hợp lý để khuyến khích những người tự ứng cử, chứ nhìn vào cơ cấu dự kiến của Ủy ban Thường vụ QH thì chưa thấy cơ cấu cho người tự ứng cử. “Nếu chúng ta định ra cơ cấu người tự ứng cử thì sẽ tạo không khí dân chủ, phấn khởi trong nhân dân”, ông Thám nói.

Kết luận hội nghị, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia Nguyễn Thiện Nhân khẳng định nghị quyết của Ủy ban Thường vụ QH là dự kiến, vì vậy sau hội nghị này, tiếp thu ý kiến của Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, cần tiếp tục điều chỉnh cho phù hợp. Trong đó nghiên cứu để tăng số lượng đại biểu chuyên trách, giảm đại biểu hành pháp cả ở T.Ư và địa phương. Tuy nhiên, việc giảm ở đâu cũng cần được lượng hóa cụ thể. Bên cạnh đó, cũng nghiên cứu để tăng hoặc điều chỉnh lại cơ cấu doanh nhân vào QH để khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư