Muốn thu hút FDI, thiết chế luật pháp phải tương ứng với yêu cầu phát triển mô hình kinh doanh mới

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 5 diễn ra vào tháng 5/2023. Thời gian góp ý còn lại rất ít, nhưng nhiều ý kiến vẫn còn băn khoăn về phạm vi điều chỉnh của Luật, thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh mới…
Hội thảo lấy ý kiến của các doanh nghiệp trong và ngoài nước về Dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) sáng 23/3
Hội thảo lấy ý kiến của các doanh nghiệp trong và ngoài nước về Dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) sáng 23/3

Theo đại diện Ban soạn thảo, ông Nguyễn Hồng Thắng, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), mục tiêu chính của việc sửa đổi Luật Viễn thông năm 2009 là nhằm nâng cao hiệu quả khai thác tài nguyên viễn thông, thúc đẩy và huy động các thành phần kinh tế tham gia xây dựng phát triển hạ tầng viễn thông và các hạ tầng khác phục vụ cho chuyển đổi số quốc gia, phát triển nền kinh tế số, phù hợp với xu thế phát triển của công nghệ, và giải quyết các bất cập hạn chế trong thực thi Luật thời gian vừa qua. Trong đó, dịch vụ điện toán đám mây và dịch vụ trung tâm dữ liệu (dịch vụ OTT) như Viber, Zalo, WhatsApp, Messenger… đang ngày càng trở thành xu thế tất yếu, là nền tảng quan trọng có thể thay thế dịch vụ viễn thông truyền thống, nhưng hiện chưa có luật nào quản lý, nên được đưa vào Dự thảo Luật.

Tuy nhiên, tại Hội thảo lấy ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp (DN) ngày 23/3 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức, nhiều ý kiến vẫn còn lo ngại, các quy định trong Dự thảo Luật chưa thực sự thể hiện hay phục vụ mục tiêu đề ra. Bên cạnh những thủ tục hành chính mới phát sinh, Dự thảo còn có những quy định có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động đầu tư, kinh doanh của các DN trong vào ngoài lĩnh vực viễn thông, và chưa thực sự nắm bắt những xu hướng phát triển công nghệ.

Về phạm vi điều chỉnh, Dự thảo Luật mở rộng phạm vi áp dụng với cả các dịch vụ như: các dịch vụ hội thoại, tin nhắn, hội họp trên các nền tảng Internet, dịch vụ điện toán đám mây và dịch vụ trung tâm dữ liệu (dịch vụ OTT). Các nền tảng liên lạc này được sử dụng khá phổ biến hiện nay, đã phát huy đáng kể trong thời gian xảy ra đại dịch Covid-19, đóng góp tích cực vào việc duy trì và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong và sau đại dịch như hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại điện tử và đầu tư xuyên biên giới.

Theo bà Đào Thị Nga - đại diện Liên minh Internet châu Á (AIC), các dịch vụ trên không phải là dịch vụ viễn thông. Nếu Dự thảo Luật được thông qua thì DN sẽ phải thực hiện thủ tục cấp phép và chịu sự điều chỉnh như những dịch vụ viễn thông truyền thống. Như vậy, sẽ làm tăng thêm gánh nặng chi phí cho DN, ảnh hưởng tới việc khai thác tiềm năng kinh tế số. Do vậy, bà Nga đề xuất các dịch vụ này cần được điều chỉnh ở một văn bản pháp luật khác.

Cùng quan điểm này, ông Vũ Tú Thành - Phó Giám đốc điều hành Hội đồng DN Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) cũng bày tỏ lo ngại về những rào cản đối với đầu tư nước ngoài lĩnh vực điện toán đám mây và dịch vụ trung tâm dữ liệu khi Dự thảo Luật đưa ra quy định hạn chế về vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài, cùng những quy định buộc các DN nước ngoài phải ký kết hợp đồng thương mại với doanh nghiệp viễn thông trong nước, thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam.

"Nếu như VNPT, Vietel… hay DN trong nước nào khác không hợp tác, không ký hợp đồng thương mại, thì sẽ như thế nào?", ông Thành đặt vấn đề.

Dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) được giao cho Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội thẩm tra. Ông Nguyễn Việt Phương - Phó Chủ nhiệm Ủy ban đề nghị Chính phủ cần sớm hoàn thiện để chuyển cho cơ quan thẩm tra. Với các kênh thông tin của mình, Ủy ban sẽ thẩm tra kỹ lưỡng chất lượng của Dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5.

Theo đánh giá của bà Nguyễn Việt Hà - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (Amcham) tại Hà Nội, pháp luật về đầu tư và DN hiện không có quy định nào về việc dịch vụ điện toán đám mây là một hoạt động kinh doanh có điều kiện. Các cam kết quốc tế của Việt Nam cũng không có bất kỳ hạn chế nào đối với dịch vụ này. Hiện nay, nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đang sử dụng các dịch vụ điện toán đám mây và trung tâm dữ liệu của các DN nước ngoài. Nếu các dịch vụ này bị gián đoạn vì điều kiện kinh doanh nêu trên, thì hoạt động của các DN FDI này cũng bị ảnh hưởng. Việc hạn chế đối với hai loại hình dịch vụ này có thể khiến môi trường đầu tư tại Việt Nam kém hấp dẫn và cạnh tranh hơn.

Dẫn chứng tình huống thực tế, ông Vũ Tú Thành chia sẻ, đã có thời điểm giới doanh nhân bị mất liên lạc với thế giới bên ngoài, vì thỏa thuận giữa DN trong nước và DN nước ngoài cung cấp dịch vụ bị hết hạn, nhưng chưa gia hạn được, nên thuê bao chuyển vùng dữ liệu bị gián đoạn. Điều này tạo hiệu ứng xấu với các nhà đầu tư nước ngoài khi quyết định lựa chọn Việt Nam làm điểm đến.

Theo đại diện USABC, yêu cầu phải hợp đồng thương mại với DN trong nước, văn phòng đại diện tại Việt Nam từng được quy định trong nhiều văn bản pháp luật trước đây của Việt Nam. Nhưng gần đây, với ý chí nhất quán của Quốc hội về việc không phân biệt đối xử giữa các DN, những yêu cầu tương tự đã được loại bỏ khỏi Luật Quản lý thuế và mới đây là Luật Điện ảnh - ban hành năm 2022.

Để thúc đẩy hạ tầng viễn thông phát triển, phục vụ cho nền kinh tế số, các chuyên gia tại Hội thảo đề xuất, Việt Nam có thể phát triển dịch vụ viễn thông qua vệ tinh. Lợi thế của dịch vụ này là độ bao phủ rộng, không giới hạn vùng sâu, vùng xa hay hải đảo, mà không phải đầu tư lắp đặt các hệ thống cáp quang biển, hay đường truyền với vốn đầu tư lớn và tính ổn định không cao. Hiện một số quốc gia đã triển khai dịch vụ này như Nhật Bản, Philippines, Indonesia… Do đó, Dự thảo Luật cần khuyến khích phát triển các loại hình dịch vụ Internet vệ tinh xuyên biên giới.

Theo ông Nguyễn Quốc Anh, đại diện cho Công ty Gtel, tổng đài trả lời tự động, giao dịch viên ngân hàng, xe tự lái, trí tuệ nhân tạo… đều là các ứng dụng điện toán đám mây. Đây không phải là dịch vụ gia tăng của viễn thông, mà còn có tầm vóc lớn hơn, không loại trừ sẽ thay thế dịch vụ viễn thông truyền thống trong tương lai, bởi tỷ trọng doanh thu thị trường ngày càng tăng, vì tác động tới tất cả các ngành. "Do đó, cần xác định lại tầm vóc của các dịch vụ này trong nền tảng công nghệ để có cách thức quản lý phù hợp, thay vì nội hàm mỏng manh, mới dừng lại ở cách thức quản lý nhà nước bằng kiểm tra, kiểm chuẩn. Hành lang pháp lý như vậy là chưa xứng tầm. Nên đưa vào những nội dung ủng hộ cho thị trường phát triển với cam kết ưu đãi, được phép kết nối vào hạ tầng, nếu DN trong nước từ chối hợp tác thì sẽ thất bại ngay từ đầu", ông Nguyễn Quốc Anh nói.

Chuyên đề