Mua sắm trang thiết bị y tế: Có thể chọn giá cao nhất để lập giá gói thầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau gần 4 tháng Nghị quyết số 30/NQ-CP về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế (TTBYT) ra đời, Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư số 14/2023/TT-BYT quy định trình tự, thủ tục xây dựng giá gói thầu mua sắm hàng hóa và cung cấp dịch vụ thuộc lĩnh vực TTBYT tại các cơ sở y tế (CSYT) công lập với thời gian hiệu lực từ ngày 1/7 đến ngày 31/12/2023. Thông tư này được kỳ vọng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xây dựng giá gói thầu.
Thông tư số 14/2023/TT-BYT được kỳ vọng tháo gỡ vướng mắc trong xây dựng giá gói thầu mua sắm hàng hóa và cung cấp dịch vụ thuộc lĩnh vực trang thiết bị y tế. Ảnh: Lê Tiên
Thông tư số 14/2023/TT-BYT được kỳ vọng tháo gỡ vướng mắc trong xây dựng giá gói thầu mua sắm hàng hóa và cung cấp dịch vụ thuộc lĩnh vực trang thiết bị y tế. Ảnh: Lê Tiên

Theo Thông tư số 14/2023/TT-BYT, khi xây dựng giá gói thầu mua sắm hàng hóa và cung cấp dịch vụ thuộc lĩnh vực TTBYT, chủ đầu tư xác định giá gói thầu theo 1 trong 3 phương pháp, bao gồm: thu thập báo giá do các cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực TTBYT cung cấp; khảo sát giá trúng thầu của hàng hóa, dịch vụ tương tự; kết quả thẩm định giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, doanh nghiệp thẩm định giá. Thông tư số 14 quy định, phương pháp được sử dụng đầu tiên là phương pháp thu thập báo giá của các nhà cung cấp, sau khi không thực hiện được phương pháp này thì mới thực hiện 1 trong 2 phương pháp còn lại. Trường hợp chủ đầu tư sử dụng từ 2 phương pháp xác định giá gói thầu trở lên thì có thể được lựa chọn giá cao nhất, phù hợp với khả năng tài chính và yêu cầu chuyên môn.

Cũng theo Thông tư số 14, khi xây dựng giá gói thầu theo phương pháp báo giá của nhà cung cấp, đối với gói thầu TTBYT và linh kiện, phụ kiện, vật tư thay thế sử dụng cho TTBYT, chủ đầu tư căn cứ tình hình thực tế quyết định việc thành lập hội đồng hoặc đề nghị sở y tế hỗ trợ thành lập hội đồng hoặc giao cho một đơn vị trực thuộc lựa chọn danh mục, yêu cầu về tính năng và yêu cầu kỹ thuật cơ bản trên cơ sở yêu cầu về chuyên môn để đăng tải yêu cầu báo giá trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, hoặc Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế, hoặc cổng dịch vụ công trực tuyến về quản lý TTBYT... Trong thời gian tối thiểu 10 ngày kể từ ngày thông tin đăng tải thành công, chủ đầu tư căn cứ số báo giá nhận được (kể cả trường hợp chỉ nhận được 1 hoặc 2 báo giá) để quyết định giá gói thầu. Trường hợp trên thị trường Việt Nam chỉ có 1 hoặc 2 nhà cung cấp hoặc để bảo đảm tính tương thích về công nghệ, bản quyền hoặc cần triển khai ngay, chủ đầu tư được phép gửi trực tiếp yêu cầu báo giá đến nhà cung cấp.

Đối với gói thầu dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng, kiểm định, hiệu chuẩn TTBYT, chủ đầu tư căn cứ tình hình thực tế quyết định thành lập hội đồng để lựa chọn danh mục, chủng loại TTBYT và khối lượng dịch vụ trên cơ sở yêu cầu chuyên môn. Việc áp dụng phương pháp xây dựng giá gói thầu tương tự như với gói thầu TTBYT và linh kiện, phụ kiện, vật tư thay thế sử dụng cho TTBYT.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu, nhiều cán bộ phụ trách công tác mua sắm của CSYT đánh giá Thông tư số 14/2023/TT-BYT đã nới lỏng hơn so với trước đây (phải có 3 báo giá), tạo hành lang pháp lý rõ ràng, xác định thẩm quyền, trách nhiệm trong từng nội dung công việc, từ đó giúp các đơn vị yên tâm, chủ động triển khai mua sắm. Thông tư đã đáp ứng được tính chất mua sắm đối với ngành y tế hiện nay, khi các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính về xây dựng giá gói thầu chưa bao phủ được hết lĩnh vực y tế.

Mặc dù vậy, một số ý kiến vẫn bày tỏ lo ngại về tình trạng “doanh nghiệp gửi giá” không đảm bảo tính khách quan khi Thông tư cho phép lấy giá cao nhất để lập giá gói thầu…

Giải đáp băn khoăn này, thành viên Ban soạn thảo cho biết, sở dĩ Thông tư cho phép chủ đầu tư được lấy giá cao nhất lập giá gói thầu là để tăng tính cạnh tranh, có thêm nhiều nhà thầu và hàng hóa công nghệ mới, hiện đại, tiên tiến tham gia, đồng thời khắc phục tình trạng các CSYT phải mua TTBYT rẻ nhất nhưng không đáp ứng yêu cầu chuyên môn.

Một chuyên gia về đấu thầu cho rằng, đây chỉ là bước lập dự toán. Cuộc thầu nếu được diễn ra một cách cạnh tranh, công bằng thì việc chủ đầu tư xác định dự toán từ nguồn nào và xác định như thế nào sẽ không còn quan trọng. Các cơ quan hậu kiểm cũng cần thay đổi cách nhìn nhận, tư duy tồn tại lâu nay.

Do Thông tư số 14 chỉ có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2023, nên nhiều ý kiến khuyến nghị cần sớm có văn bản hướng dẫn “gối đầu” để tránh đứt gãy quy trình mua sắm phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh. Về lâu dài, cần sửa đổi Thông tư số 68/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính; đồng thời đưa các quy định cụ thể vào nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu 2023.

Chuyên đề