“Đỏ mắt” chờ hướng dẫn mới về mua sắm trang thiết bị y tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Năm 2022 là một năm đầy khó khăn với ngành y tế khi xảy ra tình trạng thiếu trang thiết bị, hóa chất, vật tư, sinh phẩm y tế (TTBYT) ở nhiều địa phương trên cả nước, chủ yếu là do vướng mắc từ các văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có Nghị định số 98/2021/NĐ-CP và Thông tư số 14/2020/TT-BYT. Nhiều địa phương kỳ vọng Chính phủ sớm ban hành các văn bản hướng dẫn mới tạo thuận lợi cho việc tổ chức mua sắm, đấu thầu TTBYT phục vụ khám chữa bệnh.
Nhiều địa phương kỳ vọng Chính phủ sớm ban hành các văn bản hướng dẫn mới tạo thuận lợi cho việc tổ chức mua sắm, đấu thầu TTBYT. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Nhiều địa phương kỳ vọng Chính phủ sớm ban hành các văn bản hướng dẫn mới tạo thuận lợi cho việc tổ chức mua sắm, đấu thầu TTBYT. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Theo chia sẻ của Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Bắc Kạn, trong năm vừa qua, trên địa bàn Tỉnh xảy ra tình trạng gói thầu mua sắm TTBYT mời thầu nhưng không có nhà thầu tham dự, hoặc có tham dự nhưng chào vượt giá gói thầu, hoặc không đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật…

Theo quy định của Điều 44 Nghị định 98, đơn vị mua sắm không được mua bán TTBYT khi chưa có giá kê khai và không được mua bán cao hơn giá kê khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế tại thời điểm mua bán. Tuy nhiên, nhiều mặt hàng chưa được các đơn vị cung cấp kê khai giá nên việc định giá rất khó khăn. Mặt khác, hiện chưa có quy định, hướng dẫn rõ ràng về xây dựng danh mục, lập thông số kỹ thuật, cấu hình, quy trình mua sắm đối với các mặt hàng tiêu hao như: vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm.

Tình trạng thiếu TTBYT cũng xảy ra tại nhiều địa phương khác do khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện đấu thầu mua sắm TTBYT vì liên quan đến Nghị định 98.

Phản ánh của các đơn vị phụ trách công tác đấu thầu và cung ứng vật tư y tế tại Quảng Trị cho thấy, khó khăn lớn nhất là việc xây dựng giá kế hoạch.

Cùng quan điểm, Sở KH&ĐT Bắc Ninh cho rằng, do một số TTBYT chưa công khai, kê khai giá trúng thầu, giá kê khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế và nhiều TTBYT không có nhà thầu báo giá, báo giá không hợp lệ hoặc không đủ tối thiểu 3 báo giá, nên không xây dựng được giá gói thầu. Thông tin tham khảo giá trúng thầu của nhiều mặt hàng về đặc tính, thông số kỹ thuật cũng chưa đầy đủ hoặc không rõ ràng. Đồng thời, một số hàng hóa là TTBYT được phân nhóm theo Thông tư số 14/2020/TT-BYT, nhà thầu khi tham dự thầu không có tài liệu chứng minh phân nhóm tương ứng và không có tài liệu chứng minh hàng hóa phải được cung cấp bởi một trong các tổ chức, cá nhân theo quy định tại thông tư này.

Trước đòi hỏi của thực tiễn, trong năm 2022, nhiều văn bản quy phạm pháp luật mới về đấu thầu, mua sắm TTBYT đã được ban hành, nhưng theo nhận xét của nhiều địa phương, một số văn bản hướng dẫn vẫn còn chung chung, nên quá trình triển khai, thực hiện còn lúng túng.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, Bệnh viện đang rất thiếu TTBYT, trong khi các nhà thầu không thể cung cấp vì hết hạn giấy đăng ký lưu hành từ ngày 31/12/2022. “Thiếu TTBYT thì không thể chẩn đoán được bệnh, làm sao điều trị, cấp cứu kịp thời?”, ông Thức lo lắng.

Do đó, nhiều địa phương như Sơn La, Bắc Kạn, Ninh Bình, Quảng Trị… mong mỏi Chính phủ, Bộ Y tế và cơ quan liên quan khẩn trương ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP, đặc biệt là điều khoản về giá kê khai TTBYT.

Để các cấp, các đơn vị dễ thực hiện và yên tâm trong công tác mua sắm, đấu thầu, Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Trị còn cho rằng, cần đẩy mạnh phân cấp mua sắm thuốc, TTBYT trên cơ sở ban hành tiêu chuẩn, tiêu chí, quy trình, quy định rõ ràng, minh bạch danh mục mua sắm tập trung và mua sắm phân cấp.

Sở KH&ĐT tỉnh Bắc Kạn cho rằng, cần quy định rõ việc áp dụng loại hợp đồng mua sắm đối với từng loại TTBYT cụ thể. Vì trong thực tế mua sắm và sử dụng, các đơn vị hoàn toàn phụ thuộc vào lượng người bệnh đến khám và điều trị, mô hình bệnh tật của từng địa phương, cũng như thời điểm cụ thể.

Một số đơn vị đề nghị cần có định nghĩa cụ thể hơn các thuật ngữ “vật tư y tế”, “hóa chất y tế phục vụ xét nghiệm, chẩn đoán”, hướng dẫn chi tiết hơn những mặt hàng nào là TTBYT…, bởi định nghĩa hiện nay tại Nghị định 98 còn quá chung chung, gây khó khăn cho hoạt động mua sắm.

Theo chia sẻ của đại diện Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế thuộc Bộ Y tế, Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 98 đã được trình Chính phủ, dự kiến được ban hành trong tháng 2/2023.

Chuyên đề