Mở lối đại lộ đi tới phồn vinh

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dịp kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm nay, người dân đã có thể ngược xuôi trên những tuyến cao tốc thênh thang. Con đường về quê ngắn lại và bình an hơn, con đường phát triển kinh tế nơi đại lộ đi qua nhờ giao thương thuận lợi mà có điều kiện tiến nhanh hơn. Giấc mơ cao tốc trải khắp dải đất hình chữ S, tạo nên trục giao thông xương sống cho đất nước bứt phá đang từng ngày từng ngày được hiện thực hóa…
Những công trình giao thông trọng điểm đang được rốt ráo triển khai trên mọi miền đất nước sẽ tạo dựng bệ phóng cho nền kinh tế bứt phá
Những công trình giao thông trọng điểm đang được rốt ráo triển khai trên mọi miền đất nước sẽ tạo dựng bệ phóng cho nền kinh tế bứt phá

Cao tốc liền dải đất nước không còn là giấc mơ

30/4/2023, sẽ có thêm hàng trăm km đường cao tốc thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 được hoàn thành, đưa vào khai thác. Mục tiêu trong năm nay, theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT) sẽ thông xe tiếp 4 dự án thành phần trong quý III và quý IV năm 2023 và 2 dự án thành phần còn lại trong năm 2024. Bộ đang chỉ đạo các đơn vị đẩy nhanh tiến độ, quyết tâm hoàn thành đúng tiến độ 6 dự án thành phần còn lại. Cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 khi hoàn thành sẽ đưa gần 653 km đường cao tốc trục dọc đất nước vào vận hành.

Ngày đầu tiên của năm 2023, 12 dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 được khởi công và đang đồng loạt triển khai, dồn nguồn lực để cơ bản hoàn thành toàn tuyến từ Lạng Sơn đến Cà Mau vào cuối năm 2025.

Dự án có tổng chiều dài 729 km, đi qua địa phận 12 tỉnh, thành phố. Theo Bộ GTVT, các địa phương đã tích cực triển khai giải phóng mặt bằng, 12 địa phương có Dự án đi qua đã bàn giao mặt bằng, đến ngày 7/4/2023, đạt hơn 80% và đủ điều kiện để các nhà thầu tổ chức thi công và đang tiếp tục thực hiện để bàn giao 100% diện tích mặt bằng vào quý II/2023. Bộ GTVT đang tiếp tục chỉ đạo các nhà thầu tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi, hoàn thành công tác huy động nhân sự, máy móc... đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công 25 gói thầu thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.

Cao tốc trải hết chiều dài đất nước, cao tốc về tới đất mũi Cà Mau, cao tốc lên đến cửa khẩu Hữu Nghị, giấc mơ của bao người dân Việt, không lâu nữa sẽ là sự thật. Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng, tuyến đường không chỉ cải thiện lưu lượng giao thông trên trục huyết mạch mà còn giúp phát triển công nghiệp, nông nghiệp các khu vực tiếp giáp, tạo cơ hội cho khoảng 60% dân số sinh sống dọc trục đường được hưởng lợi. Đây là điều kiện quan trọng để nền kinh tế tăng tốc, phát triển vượt bậc.

Viết tiếp khát vọng đường sắt tốc độ cao

Và lúc này, khi đường bộ cao tốc Bắc - Nam đang dần hoàn thành, chúng ta tiếp tục viết tiếp “giấc mơ dang dở” nhiều năm trước về đường sắt tốc độ cao (ĐSTĐC) đi dọc đất nước.

Tại Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/2/2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Chính trị xác định, ĐSTĐC Bắc - Nam là trục “xương sống” và đặt mục tiêu “đến năm 2025, phấn đấu hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án ĐSTĐC trên trục Bắc - Nam; khởi công các đoạn ưu tiên trong giai đoạn 2026 - 2030 là Hà Nội - Vinh và TP.HCM - Nha Trang”.

Theo kinh nghiệm quốc tế, để tạo năng lực vận chuyển lớn, giảm chi phí logistics cần phải xây dựng hệ thống ĐSTĐC. ĐSTĐC Trung Quốc bắt đầu đưa vào khai thác thương mại từ năm 2008, tuyến Bắc Kinh - Thiên Tân với chiều dài 161 km, vận tốc khai thác tối đa 350 km/h. Tổng chiều dài ĐSTĐC của Trung Quốc đến năm 2021 là 40.000 km. Trong 10 năm từ 2012 - 2021, mỗi năm Trung Quốc đưa vào khai thác từ 1.644 km đến 6.000 km.

Theo đơn vị tư vấn thẩm tra Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án ĐSTĐC Bắc - Nam, đây là dự án có tính chiến lược rất quan trọng của Việt Nam, có tính khả thi cao với lợi ích lâu dài cho người dân của 20 tỉnh, thành phố với quy mô siêu liên kết vùng trên trục hành lang kinh tế Bắc - Nam. Dự án sẽ hình thành trục vận tải khối lượng lớn trên đất liền, là trục động lực phát triển nhảy vọt mới cho các địa phương trên hành lang kinh tế Bắc - Nam, giúp tăng trưởng đồng đều giữa các vùng miền.

Mở cơ hội tăng tốc nền kinh tế

Bên cạnh những dự án trục giao thông xương sống, nhiều dự án hạ tầng giao thông lớn khác cũng đang được rốt ráo triển khai trên khắp cả nước.

Tỉnh Thái Bình và Bình Phước đang triển khai lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình và Gia Nghĩa - Chơn Thành. Tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Hòa Bình và Sơn La tiếp tục hoàn thiện lập báo cáo nghiên cứu khả thi các cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng, Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Hòa Bình - Mộc Châu. Lâm Đồng đang hoàn thiện các thủ tục, kỹ thuật để chuẩn bị khởi công cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc... Lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang khẳng định quyết tâm hoàn thành tuyến cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai trong năm nay; tập trung cao độ để trong tháng 5/2023 khởi công cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang.

Ba cao tốc trục ngang: Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, đường Vành đai 4 Hà Nội, Vành đai 3 TP.HCM đang được các địa phương tích cực chuẩn bị để đồng loạt khởi công trước ngày 30/6/2023.

Có thể nói chưa bao giờ cả đất nước là đại công trường, hối hả thi công như những ngày này. Giai đoạn 2021 - 2025, Quốc hội, Chính phủ đã ưu tiên dành mọi nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, bao gồm nguồn vốn đầu tư công, tăng thu tiết kiệm chi, với tổng nguồn vốn bố trí cho đầu tư hạ tầng giao thông đạt khoảng 470 nghìn tỷ đồng, gấp gần 3 lần so với giai đoạn 2016 - 2020.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhiều lần nêu quan điểm đầu tư phải “ra tấm ra món”, ưu tiên đầu tư công trình cao tốc, trọng điểm, có tác động lan tỏa.

Theo Bộ KH&ĐT, nguồn vốn đầu tư công đã được bố trí bảo đảm tập trung, trọng tâm, trọng điểm, tăng cường đầu tư cho hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông quan trọng quốc gia và hạ tầng đô thị lớn, thúc đẩy liên kết vùng nhằm hỗ trợ các vùng phát triển theo nghị quyết của Đại hội Đảng, tạo ra những khu vực và cực tăng trưởng mới. Đến nay, đã đưa vào sử dụng nhiều dự án hạ tầng quan trọng như đường cao tốc Bắc - Nam đoạn Cao Bồ - Mai Sơn, đoạn La Sơn - Túy Loan, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, Trung Lương - Mỹ Thuận, cầu Thủ Thiêm…

Như nhận định của bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam: “Những khoản đầu tư đưa ra hôm nay sẽ quyết định con đường tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong 5 - 10 năm tới, thực hiện hiệu quả các dự án đầu tư công trọng điểm là một chìa khóa tăng trưởng trong cả ngắn và dài hạn”.

Nỗ lực mở lối công trình ngày hôm nay sẽ giúp con đường tăng trưởng thênh thang hơn ngày mai. "Mạch máu" giao thông lan tỏa đến đâu, nền kinh tế được tiếp sức đến đó, không gian phát triển được mở rộng, giá trị đất đai, cơ hội đầu tư được tăng lên nhiều lần, đời sống người dân cũng nhờ thế sẽ sung túc hơn.

Chuyên đề