Bất động sản vẫn là kênh đầu tư có khả năng sinh lời cao và hấp dẫn đối với nhiều người Việt. Ảnh: Lê Tiên |
Lý giải về cơn sốt đất hiện nay, một số nguyên nhân được chỉ ra là giá đất tăng theo bảng giá mới, lãi suất ở mức thấp và môi giới bắt tay nhau tạo sóng ảo trên thị trường. Theo ông, đây có phải là những yếu tố quan trọng nhất gây sốt đất không?
Đúng là việc điều chỉnh bảng giá có ảnh hưởng tới giá đất tại các địa phương, song hiện tượng sốt trong thời gian gần đây còn chịu tác động từ nhiều yếu tố. Trước hết là sự xuất hiện của nhiều quy hoạch hạ tầng và các dự án bất động sản tiềm năng. Ở đâu có quy hoạch về hạ tầng giao thông, giá đất ở đó sẽ tăng. Đây là quy luật của thị trường, đồng thời, cũng là phương châm đầu tư của các nhà môi giới và nhà đầu tư. Bởi lẽ, khi những con đường mới xuất hiện hay một con đường cũ được cải tạo sẽ kéo theo sự gia tăng giá đất tại các khu vực xung quanh.
Trong nhiều trường hợp, thông tin về quy hoạch, dự án chưa rõ ràng là nguyên liệu được các môi giới tận dụng để tạo sóng trên thị trường, tạo giao dịch “ảo” để đẩy giá bất động sản và kiếm lợi. Nguồn cơn của sốt đất thường bắt đầu như vậy.
Luật sư Nguyễn Thế Truyền |
Thực tế, hiện tượng sốt đất lặp đi lặp lại trong nhiều năm, có người đã chịu tổn thất đáng kể nhưng cũng có những cá nhân, doanh nghiệp giàu lên nhanh chóng nhờ đất. Phải chăng, đây vẫn là kênh đầu tư có khả năng sinh lời cao và hấp dẫn?
Sử dụng bất động sản để bảo đảm khoản vay là một biện pháp được giới đầu tư ưa thích khi cần huy động vốn. Việc đầu tư bất động sản có thể áp dụng đòn bẩy tài chính. Ở Việt Nam, có thể bỏ ra 20% vốn và đi vay ngân hàng đến 80% giá trị để đầu tư bất động sản. Sau đó, bất động sản chỉ cần tăng giá 10 - 20% nhà đầu tư đã có lợi nhuận tương đối cao so với đầu tư vào các kênh khác.
Sự phát triển kinh tế - xã hội chung của khu vực, việc đầu tư các hạ tầng ngày càng được quan tâm là những yếu tố ảnh hưởng đến giá bất động sản. Do đó, kinh tế phát triển sẽ dẫn tới giá trị bất động sản ngày càng có giá trị.
Đất đai là tài sản tồn tại lâu dài và có thể tạo lợi nhuận lâu dài. Quyền sử dụng đất có thể để thừa kế. Do đó, tại thời điểm này giá đất chưa có biến động, tuy nhiên sau 10 năm, giá đất có thể tăng gấp đôi, gấp ba.
Một số ý kiến cho rằng, giá đất được đẩy lên cao nhưng thực tế giao dịch rất ít. Còn con số giao dịch thực lại chưa có cơ quan chức năng nào tổng hợp và công bố. Sự thiếu minh bạch về thông tin cũng là yếu tố góp phần tạo nên sốt đất?
Theo quy định tại Luật Đất đai, các giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất phải được công chứng, chứng thực. Hiện nay đối với các giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất có thể tìm hiểu và tra cứu được thông qua phần mềm UCHI (phần mềm quản lý hợp đồng công chứng và dữ liệu ngăn chặn) của văn phòng công chứng, phòng công chứng. Tuy nhiên, phần mềm này thì chỉ có các văn phòng, phòng công chứng mới có và rất ít người dân biết.
Các giao dịch dân sự liên quan đến đất đai là quyền dân sự của mỗi người. Việc chuyển nhượng đất đai, họ có toàn quyền bảo mật thông tin . Do đó, để có cơ sở xác định được số giao dịch tại một địa phương ở một thời gian cụ thể, cần phải có sự kiểm soát và đánh giá của các tổ chức có thẩm quyền như Sở Tài nguyên và Môi trường; văn phòng công chứng.
Tuy nhiên để tránh cơn sốt ảo, nên có sự kiểm tra và thông báo của Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Quy hoạch kiến trúc và trực tiếp là các báo cáo của chính quyền sở tại về hiện tượng giao dịch, giá bất động sản để UBND các tỉnh, thành kịp thời đưa ra các khuyến nghị giúp người dân tránh được những thông tin thất thiệt.