Miền Tây “đỏ mắt” tìm cát cho các công trình

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đứt gãy nguồn cát cung ứng đến các công trình đang trở thành nỗi lo thường trực của các nhà thầu tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong những ngày này. Từ đơn vị thi công cao tốc, công trình khẩn cấp chống sạt lở đến các công trình xây dựng dân dụng đều đang lăn xả tìm kiếm mọi kênh, mọi nguồn để có cát.
Một số dự án cao tốc tại Đồng bằng sông Cửu Long có thể bị ảnh hưởng tiến độ vì thiếu cát. Ảnh minh họa: NC
Một số dự án cao tốc tại Đồng bằng sông Cửu Long có thể bị ảnh hưởng tiến độ vì thiếu cát. Ảnh minh họa: NC

Nhà thầu cao tốc điêu đứng

Theo cập nhật của Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ Giao thông vận tải), Dự án cao tốc Hậu Giang - Cà Mau có tổng nhu cầu vật liệu cát đắp nền đường khoảng 18,5 triệu m3. Phần lớn số lượng cần được đáp ứng vào giai đoạn 2023 - 2024 khi các nhà thầu tăng cường thi công nền đường.

Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận Trần Văn Thi cho biết, dù dự báo trước nguồn cát khó khăn nhưng diễn biến thời gian gần đây của thị trường cát quá bất ngờ, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thi công Dự án. Nếu không có giải pháp tháo gỡ kịp thời, bổ sung sớm các mỏ từ các địa phương trong khu vực, khả năng Dự án bị chậm tiến độ là rất lớn. Thực tế, tỉnh Đồng Tháp đến nay mới cung ứng được 0,3 triệu m3 cát (2% tổng nhu cầu). Tổng khối lượng thi công của Dự án mới đạt hơn 7,5%, chậm so với kế hoạch đề ra.

Tại dự án này có nhiều gói thầu đang vào giai đoạn cần huy động nguồn cát cấp bách như: Gói thầu XL-01 Thi công xây dựng đoạn tuyến Km53+000 - Km91+800 có giá 7.256 tỷ đồng do Liên danh Công ty CP Xây dựng và Lắp máy Trung Nam - Công ty CP Tập đoàn Cienco4 - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty CP Xây dựng Tân Nam đảm nhận; Gói thầu XL-03 Thi công xây dựng đoạn tuyến Km114+200 - Km126+223 bao gồm tuyến nối nút giao IC12 với Quốc lộ 1 có giá 3.334 tỷ đồng do Liên danh Tổng công ty Xây dựng số 1 - Công ty CP Hải Đăng - Công ty TNHH Liên hợp xây dựng Vạn Cường - Công ty CP Xây dựng và Đầu tư 492 - Công ty CP Xây dựng Trung Nam 18 E&C thi công. Cả hai gói thầu đều có thời gian thực hiện hợp đồng 1.020 ngày.

Ngày 24/8/2023, trao đổi với phóng viên, một thành viên Liên danh thi công Gói thầu XL-03 cho biết: “Mọi công tác huy động, phương án thi công của nhà thầu đang “đứng hình” tại khu vực miền Tây. Nhà thầu quá sốt ruột vì phương tiện, thiết bị, nhân sự phải ngóng cát cả tháng nay không thể làm gì”.

Theo chia sẻ của các nhà thầu, công tác đào bóc, trải vải địa của nhà thầu ngưng trệ, thiết bị khóa bánh vì không có cát. Cả chủ đầu tư và nhà thầu đang hồi hộp theo dõi công tác hỗ trợ thủ tục cấp quyền khai thác mỏ mới từ Đồng Tháp và Vĩnh Long để có thể tiếp tục thi công.

Hiện nay, để có cát đến chân công trình tại Đồng bằng sông Cửu Long, nhà thầu phải trả từ 320.000 - 340.000 đồng/m3. Ảnh: TC

Hiện nay, để có cát đến chân công trình tại Đồng bằng sông Cửu Long, nhà thầu phải trả từ 320.000 - 340.000 đồng/m3. Ảnh: TC

Công trình khẩn cấp, dân dụng cũng vạ lây

Ngay khi được công bố trúng Gói thầu 14.1 và Gói thầu 14.2 thuộc Dự án Chống sạt lở bờ biển và phục hồi tuyến đê, kè biển từ Tiểu Dừa đến khu vực Kim Quy, huyện An Minh (tỉnh Kiên Giang), các nhà thầu đã “đứng ngồi không yên” khi biết trước khả năng khó xoay xở nguồn cát. Cả 2 gói thầu có tổng giá trị 130 tỷ đồng, thời gian thực hiện hợp đồng chỉ trong vòng 6 tháng. Ông Võ Chí Hải, Tổng giám đốc Công ty CP Xây dựng thương mại Thới Bình - thành viên liên danh trúng 2 gói thầu nêu trên - lo lắng cho biết: “Huy động mọi kênh, tìm đủ nguồn, thậm chí chấp nhận mua cát của Campuchia với giá cao mà chỉ lo số lượng không đủ, không kịp cho công tác thi công. Chúng tôi thực sự hoang mang với tình trạng khan hiếm nguồn cung cát hiện nay”.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, Giám đốc Ban Quản lý dự án nông nghiệp tỉnh Long An bày tỏ, loạt công trình khẩn cấp chống sạt lở của Tỉnh đang triển khai dự báo sẽ có nhiều bất lợi vì tình trạng khan hiếm cát lan rộng khắp khu vực.

Không chỉ công trình khẩn cấp, hàng loạt công trình xây dựng dân dụng tại miền Tây cũng khiến cả chủ đầu tư lẫn nhà thầu điêu đứng. Ông Trần Minh Đức, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và khu vực phát triển đô thị tỉnh An Giang cho biết, hiện các nhà thầu xây dựng phải lùng mua cát với giá chênh lệch ít nhất 100.000 đồng/m3. Các dự án dân dụng như trường học, trụ sở, bệnh viện cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tại An Giang, Dự án Bệnh viện Sản - Nhi (chi phí xây dựng 200 tỷ đồng) đang trong giai đoạn cần cát xây tô. Tuy nhiên, các nhà thầu cho biết rất khó khăn để tiếp cận nguồn cát, giá bị đẩy lên quá cao, thậm chí có thời điểm xấp xỉ 400.000 đồng/m3.

Đơn giá cát san lấp khi nhà thầu ký hợp đồng với các chủ đầu tư dao động trong khoảng 170.000 - 180.000 đồng/m3. Thực tế, để có cát đến chân công trình, nhà thầu phải trả từ 320.000 - 340.000 đồng/m3. “Các chủ sà lan cát đang ở kèo trên, thống nhất giá, trả tiền trước mới cho sà lan chạy. Trong khi đó, các nhà thầu xây dựng giờ không biết mua cát ở đâu, giá mỗi ngày một cao và số lượng luôn trong tình trạng ăn đong”, một nhà thầu xây dựng tại TP. Cần Thơ chia sẻ.

Theo Bộ Giao thông vận tải, tại các tỉnh như An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp…, các nhà thầu đều đang khó tiếp cận mỏ cát do vướng mắc về thủ tục khai thác. Bộ đề nghị các địa phương khẩn trương thực hiện các thủ tục về mỏ vật liệu xây dựng thông thường theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường; thành lập các tổ công tác thỏa thuận với các chủ sở hữu về giá chuyển nhượng, thuê đất bảo đảm phù hợp với mặt bằng giá bồi thường theo quy định của Nhà nước; có chế tài xử lý các trường hợp cố tình nâng giá, ép giá, đầu cơ đất khu vực mỏ.

Chuyên đề