Giá cát cao dẫn đến tại một số gói thầu thực hiện theo hợp đồng trọn gói nhà thầu phải bù lỗ. Ảnh: Tường Lâm |
Điều này đã gây khó khăn không nhỏ đối với hoạt động xây dựng của người dân cũng như nhà thầu, chủ đầu tư. Đâu là giải pháp “căn cơ” nhằm khắc phục tình trạng này?
Giá cát vẫn cao
Đánh giá về tình hình giá cát xây dựng biến động lớn ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng xây dựng, mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhận định, thời gian qua, các Bộ, ngành, địa phương đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác, kinh doanh tài nguyên cát, sỏi. Điều này đã góp phần giảm thiểu việc khai thác trái phép, sử dụng lãng phí nguồn tài nguyên. Tuy nhiên, do số lượng và trữ lượng các mỏ cát dần cạn kiệt, trong khi một số địa phương có nhu cầu sử dụng cát lớn nhưng không có nguồn cát tại chỗ; một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đối với công tác quản lý khai thác sử dụng cát và tài nguyên, chưa có biện pháp ngăn chặn đầu cơ, tích trữ cát xây dựng trái phép... dẫn đến giá cát xây dựng biến động lớn, ảnh hưởng đến tiến độ các dự án đầu tư xây dựng và các hợp đồng theo đơn giá cố định, hợp đồng trọn gói.
Tại một số địa phương có nhu cầu sử dụng cát lớn thì giá cát vẫn ở mức cao. Khảo sát của Báo Đấu thầu ghi nhận, tại thị trường Hà Nội, cát bê tông tại bãi có giá 450.000 - 500.000 đồng/m3, thấp hơn một chút là cát vàng có giá 250.000 đồng/m3, cát đen 100.000 đồng/m3... Mức giá này sẽ tăng lên nhiều nếu được chuyển đến tận chân công trình.
Tại TP. Lạng Sơn, phản ánh của một nhà thầu xây dựng trên địa bàn cho biết, hiện giá cát có giảm hơn so với thời điểm cùng kỳ năm ngoái, nhưng nhìn chung còn cao. Đáng lưu ý, theo nhà thầu, giá cát xây dựng trên thị trường và giá cát công bố của Liên Sở Xây dựng - Tài chính địa phương có sự chênh lệch khá cao. Giá cát bê tông tại bãi trên địa bàn hiện dao động khoảng 500.000 đồng/m3, trong khi giá công bố của cơ quan quản lý là 450.000 đồng/m3. “Cát tự nhiên khan hiếm, cát nhân tạo giá cả không cạnh tranh đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động đầu tư xây dựng”, nhà thầu cho biết.
Tương tự, tại Thái Nguyên, phản ánh của Công ty CP Xây dựng và Thương mại Linh Bình khẳng định, giá cát vẫn rất cao. Điều này đã tác động đến hoạt động xây dựng của nhà thầu, ở một số gói thầu thực hiện theo hợp đồng trọn gói thậm chí nhà thầu phải bù lỗ.
Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Tống Văn Nga, Chủ tịch Hiệp hội vật liệu xây dựng Việt Nam nhận xét, giá cát hiện đã đỡ “lộn xộn” hơn năm ngoái, song còn cao.
Tại phiên trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội diễn ra ngày 4/6, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, hiện việc quản lý khai thác cát rất lỏng lẻo, cát tặc đang lộng hành.
Tăng cường dùng cát nhân tạo
Ông Tống Văn Nga cho rằng, cần quản lý và khai thác cát một cách hiệu quả, trong đó có thể tính đến giải pháp tuyển cát sạch rồi đóng bao đựng như mặt hàng vật liệu xi măng nhằm tránh lãng phí và kiểm soát tài nguyên cát. Về dài hạn, để ổn định thị trường cát và đảm bảo đáp ứng nguồn cung cát cho xây dựng, Việt Nam phải tăng cường làm cát nghiền (cát nhân tạo). “Nếu không, khi mùa mưa tới nguồn cát tự nhiên tiếp tục khan hiếm, nhu cầu thị trường tăng, giá cát sẽ bị đẩy lên cao...”, Lãnh đạo Hiệp hội Vật liệu xây dựng cảnh báo.
Theo ông Nga, hiện nay, nhiều trạm trộn bê tông đã sử dụng cát nghiền là chính. Việc trông chờ vào nguồn cát tự nhiên dồi dào như trước là không thể.
Để hạn chế trượt giá công trình do tăng giá vật liệu xây dựng, Hiệp hội Vật liệu xây dựng Việt Nam khuyến nghị các chủ đầu tư cần lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực có thể đẩy nhanh tiến độ thi công; giám sát chặt chẽ, hạn chế việc lãng phí nguyên vật liệu trên công trường. Về phía cơ quan chức năng, cần tăng cường quản lý các đại lý phân phối, có quy định cụ thể để ngăn chặn tình trạng tuỳ tiện nâng giá bán vật liệu xây dựng, đầu cơ…