Cát loạn giá, nhà thầu trở tay không kịp

(BĐT) - Khảo sát những ngày qua tại thị trường TP.HCM cho thấy đang có sự “loạn giá” đối với các loại cát phục vụ xây dựng. Giá cát nhảy múa, thay đổi theo ngày, theo giờ và đang khiến cho giới nhà thầu xây dựng không kịp trở tay.
Từ cuối tháng 3/2017 đến nay, giá cát tại TP.HCM đã tăng gần gấp 3 lần. Ảnh: Văn Huyền
Từ cuối tháng 3/2017 đến nay, giá cát tại TP.HCM đã tăng gần gấp 3 lần. Ảnh: Văn Huyền

Cát bị làm giá trắng trợn

Theo một đại lý vật liệu xây dựng trên đường Hà Huy Giáp (Quận 12), TP.HCM, trong thời điểm những ngày cuối tháng 3/2017, tại thị trường TP.HCM, giá cát xây tô đang ở mức 190.000 đ/m3; cát bê tông dừng ở mức 240.000 đ/m3, thấp nhất là giá cát san lấp ở mức 150.000 đ/m3.

Tuy nhiên, ngay từ những ngày đầu tiên của tháng 4/2017, giá cát ghi nhận tại thị trường TP.HCM đã có những bước nhảy vọt với tốc độ chóng mặt. Trong những ngày đầu tuần, từ khoảng 10 đến 12/4, giá cát mỗi loại đều tăng tới mức cả đại lý vật liệu xây dựng lẫn các nhà thầu xây dựng ngỡ ngàng. Cụ thể, theo khảo sát của phóng viên Báo Đấu thầu, giá cát xây tô ngày 10/4 ở mức 400.000 đ/m3, giá cát san lấp vọt lên mức 230.000 đ/m3, cát bê tông tăng hơn gấp đôi, lên đến 440.000 đ/m3. Một loạt đại lý vật liệu xây dựng trên đường Kinh Dương Vương (Quận 6) đều có chung phản ánh tình trạng giá cát bị đẩy lên cao, thay đổi từng giờ, thậm chí, hiện tượng khan hàng đã xuất hiện. Một đại lý cho biết, cát đang bị làm giá một cách công khai, các đại lý không biết kiểm chứng nguồn thông tin nào cho chính xác để trả lời cho khách hàng, nhà thầu.

Đi tìm câu trả lời cho hiện tượng giá cát liên tục tăng trong những ngày vừa qua, nhiều đại lý lẫn nhà thầu đều cho là do việc quản lý khai thác cát đang được Chính phủ và nhiều địa phương đặc biệt siết chặt, chấn chỉnh. Đồng thời, một số đơn vị khai thác cát giảm công suất, dẫn đến nguồn cung khan hiếm, đẩy giá lên cao. Thêm vào đó, tâm lý đầu cơ, làm giá trong lĩnh vực vật liệu xây dựng rất nặng nề trong khi nhu cầu xây dựng ở đô thị hiện rất lớn.

Trong khi đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện tổng tài nguyên cát chỉ khoảng hơn 2 tỷ m3, trong khi chỉ tính riêng năm 2016 nhu cầu cát cho xây dựng đã lên tới 131 - 140 triệu m3, năm 2020 con số này dự báo sẽ lên đến 182 - 197 triệu m3. Vụ Vật liệu xây dựng thuộc Bộ Xây dựng cho biết, nguồn cát được cấp phép chỉ đáp ứng khoảng 60 - 65% nhu cầu cung cấp cho các thành phố, đô thị lớn. Tỷ lệ 35 - 40% cát khai thác trái phép (đang bị siết chặt) đã dẫn đến tình trạng đầu cơ, làm giá, ép giá của các đầu nậu là dễ hiểu.

Sáng 13/4/2017, khi phóng viên Báo Đấu thầu khảo sát giá cát tại tuyến đường Nguyễn Oanh (Gò Vấp), giá cát đã tăng đến mức… không tưởng là đạt ngưỡng 510.000 đ/m3 đối với cát vàng xây tô loại 1. Cá biệt, có đại lý đã báo giá 530.000 đ/m3 và ra luôn điều kiện là phải đặt cọc tiền mới cam kết có hàng. Các đại lý rất dè dặt với những đơn hàng mới với khối lượng lớn. Một đại lý còn dự đoán giá cát sẽ còn tăng. Những con số trên cho thấy, chưa đầy một tháng, giá cát đã tăng gần gấp 3 lần. 

Nhà thầu điêu đứng

Đối tượng bị ảnh hưởng đầu tiên của “cơn bão giá cát” đang hoành hành tại TP.HCM chính là các nhà thầu xây dựng và thị trường xây dựng. “Những nhà thầu xây dựng nào đang thi công dở các công trình lớn mà nguồn cung ổn định và được đảm bảo giá thì còn đỡ. Với các nhà thầu nhỏ đang thi công các công trình trung bình và nhỏ cực kỳ điêu đứng với sự tăng vọt của giá cát”, đại diện một nhà thầu xây dựng dân dụng tại Quận 12 cho biết.

“Chúng tôi trở tay không kịp với biến động của giá cát hiện nay. Quá trình trộn vữa bê tông không thể thiếu cát, và đây cũng là công đoạn không thể dừng của bất kỳ công trình xây dựng nào. Với sự tăng phi mã của giá cát, chắc chắn, chi phí của các công trình sẽ phải đội lên ít nhất 10%. Trong khi các  hợp đồng đã được ký trọn gói với chủ đầu tư, nhà thầu nhỏ xác định thi công đủ vốn, thậm chí lỗ với tình thế này”, anh Nguyễn Anh Trí, một chủ thầu xây dựng tại quận Gò Vấp than thở.

Cát chiếm tỷ lệ rất lớn trong toàn bộ khối lượng công trình, nên với biến động khó lường như hiện nay, lợi nhuận của các nhà thầu xây dựng đang rất bấp bênh. Khi trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, nhiều nhà thầu xây dựng cho biết, đối phó với kinh phí phát sinh rất lớn từ giá cát đã khó, tìm phương án thay thế bởi cát nhân tạo càng khó hơn. Thứ nhất, giá cát nhân tạo vốn dĩ đã rất cao, thường không phải là lựa chọn phổ biến để xây dựng. Thứ hai, đối với các công trình đang thi công, việc thay thế vật liệu là cực kỳ tối kỵ vì tính an toàn, đồng bộ. “Kể cả nếu có lựa chọn thay thế vật liệu thì công đoạn test, nghiệm thu tính phù hợp phải mất ít nhất 2 tuần. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ công trình. Nhiều nhà thầu đã năn nỉ chúng tôi như vậy để xem xét lại giá cát”, chị Nguyễn Thị Vui, chủ đại lý vật liệu xây dựng lớn tại đường Hà Huy Giáp (Quận 12) nhấn mạnh.

Chuyên đề