Sáng nay (23/3), Báo lao động và Hiệp hội bất động sản Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo “Tìm kiếm nguồn vốn cho thị trường bất động sản năm 2016”.
Theo ông Vũ Văn Phấn, năm 2015, lượng giao dịch bất động sản tăng gần gấp đôi so với năm 2014. Trong đó, lượng giao dịch tại Hà Nội tăng 70%, lượng giao dịch tại TP.HCM tăng gần gấp rưỡi. Giá bất động sản cũng nhích dần lên (tăng 5-6%), tồn kho bất động sản tiếp tục giảm. Tính đến 20/2/2016, tồn kho bất động sản đã giảm hơn 62% so với năm 2013.
Nhận xét về triển vọng thị trường bất động sản năm 2016, ông Vũ Văn Phấn cho rằng, thị trường sẽ tiếp tục chuyển biến tích cực.
Cụ thể, thứ nhất, thị trường sẽ tiếp tục tăng trưởng và có sự chuyển hướng đầu tưnhiều hơn vào phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có quy mô vừa và nhỏ, giá bán trung bình khoảng trên dưới 1 tỷ đồng, cũng như gia tăng đầu tư vào bất đống ản công nghiệp, dịch vụ, văn phòng cho thuê để đón đầu hội nhập, nhất là hội nhập TPP. Lượng giao dịch tiếp tục tăng nhanh nhưng không đột biến, giá cả tiếp tục ổn định. Tại mộ số dự án có tiến độ tốt, đang chuẩn bị hoàn thành, gần trung tâm, có vị trí đẹp, hạ tầng tốt thì giá bán sẽ có tăng ít nhiều.
Thứ hai, lượng hàng tồn kho tiếp tục giảm, tuy nhiên, tốc độ giảm sẽ chậm hơn trước vì chủ yếu tồn kho hiện nay là các dự án ở xa trung tâm, hạ tầng chưa đồng bộ, các căn hộ có diện tích quá lớn, giá cả cao, không phù hợp với nhu cầu, khả năng thanh toán của người dân trên địa bàn.
Thứ ba, xu hướng mua bán sáp nhập doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, chuyển nhượng các dự án bất động sản tiếp tục tăng. Các DN khó khăn sẽ điều chỉnh dự án nhà ở xa trung tâm, hạ tầng chưa đồng bộ, các căn hộ có diện tích quá lớn, giá cả cao, không phù hợp với nhu cầu và khả năng thanh toán của người dân.
Thứ tư, nhiều dự án trước kia phải tạm dừng sẽ khởi động trở lại, nhiều dự án mới có vị trí tốt sẽ được khởi công, lượng cung ở phân khúc nhà ở xã hội và nhà ở thương mại có diện tích vừa và nhỏ, giá bán trên dưới 1 tỷ đồng sẽ tăng đáng kể.
Với các nhận định trên về triển vọng thị trường, Bộ Xây dựng kiến nghị cần tập trung triển khai có hiệu quả các chương trình nhà ở xã hội. Đồng thời, các ngân hàng cần tiếp tục kiểm soát cho vay lĩnh vực bất động sản một cách hợp lý, phù hợp để vừa đảm bảo kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả nguồn vốn cho vay nhưng vẫn đảm bảo cho thị trường phục hồi và phát triển ổn định, tránh gây sốc cho thị trường, ảnh hưởng không tốt đến nền kinh tế chung.
"Vốn cho thị trường bất động sản hiện tại chủ yếu từ ngân hàng. Do đó, nếu tín dụng bất động sản bị cắt đột ngột, thị trường sẽ phản ứng ngày", ông Vũ Văn Phấn nhấn mạnh.