Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Eximbank giảm hơn một nửa so với quý I/2018 trong khi cuộc chiến quanh “ghế” Chủ tịch HĐQT chưa có hồi kết. Ảnh: Minh Khuê |
Tưởng chừng Eximbank sẽ được thổi một làn gió mới khi bà Lương Thị Cẩm Tú bất ngờ được bầu làm Chủ tịch HĐQT, nhưng con đường lên vị trí lãnh đạo cao nhất của nữ tướng này lại chịu nhiều trở lực.
Câu chuyện dang dở...
Ngày 22/3/2019, HĐQT Eximbank bất ngờ thông qua Nghị quyết số 112/2019/EIB/NQ-HĐQT về việc bãi nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT đối với ông Lê Minh Quốc và yêu cầu ông bàn giao chức danh này cho bà Lương Thị Cẩm Tú.
Theo nghị quyết này, ông Quốc sẽ có trách nhiệm bàn giao đầy đủ công việc, tài liệu và các vấn đề có liên quan của HĐQT cho Chủ tịch mới. Việc bàn giao phải được hoàn tất trong vòng 5 ngày kể từ khi Nghị quyết có hiệu lực.
Tuy nhiên, không lâu sau đó, vào ngày 27/3, Tòa án nhân dân TP.HCM đã ban hành Quyết định số 92/2019/QĐ-BPKCTT áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc Eximbank phải tạm dừng việc thực hiện nghị quyết thay Chủ tịch HĐQT.
Quyết định của Tòa án được ban hành sau khi xem xét Đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (ngày 22/3/2019) và Đơn cam kết bồi thường thiệt hại do việc yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (ngày 27/3/2019) của ông Lê Minh Quốc.
Đến ngày 22/4, cổ đông chiến lược đến từ Nhật Bản hiện đang nắm giữ 15% cổ phần Eximbank là Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) có văn bản chính thức gửi tới Eximbank. Theo đó, SMBC đề xuất đưa vào chương trình họp Đại hội đồng cổ đông năm 2019 của Eximbank nội dung bỏ phiếu thể hiện sự tín nhiệm của cổ đông đối với từng thành viên HĐQT (mức “tín nhiệm” hoặc “không tín nhiệm”); bỏ phiếu miễn nhiệm các thành viên HĐQT không đạt tỷ lệ phiếu bầu “tín nhiệm” trên 51% số phiếu biểu quyết hợp lệ của cổ đông dự Đại hội đồng cổ đông 2019.
Tuy nhiên, đề xuất trên của SMBC lại không được Chủ tịch HĐQT Lê Minh Quốc - người giữ quyền triệu tập và chủ tọa các cuộc họp Đại hội đồng cổ đông, theo quy định tại Điều lệ - đồng ý.
Đến ngày 23/4/2019, SMBC đã trực tiếp ký thông báo triệu tập cuộc họp HĐQT Eximbank. Chương trình họp nêu tại thông báo này đề rõ cả nội dung: “Bãi nhiệm Chủ tịch HĐQT Lê Minh Quốc”. Ngoài 2 đại diện của SMBC, nhóm triệu tập gồm 3 thành viên người Việt khác, muốn tổ chức cuộc họp HĐQT vào 8h00 sáng ngày 6/5/2019.
Theo Điều lệ Eximbank, cuộc họp HĐQT được tiến hành khi có từ ¾ tổng số thành viên trở lên dự họp. HĐQT Eximbank hiện có 10 cái tên, như vậy, để cuộc họp có thể tiến hành cần có ít nhất 8 thành viên tham dự.
Trường hợp cuộc họp thứ nhất không đủ số thành viên dự họp theo quy định, thì ở lần thứ 2, mọi chuyện có thể trở nên đơn giản hơn khi chỉ yêu cầu có hơn một nửa số thành viên HĐQT dự họp trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày dự định họp lần thứ nhất.
Hiện chưa có thông tin chính thức của cuộc họp. Tuy nhiên, theo nguồn tin của Báo Đấu thầu, cuộc họp lần thứ nhất đã không thể diễn ra do không đủ số lượng thành viên tham dự.
Lợi nhuận quý I/2019 giảm 37,5%
Trong khi câu chuyện nhân sự cấp cao chưa có hồi kết, Eximbank cũng bất ngờ công bố lợi nhuận trước thuế quý I/2019 sụt giảm 37,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 350 tỷ đồng. Sự sụt giảm lợi nhuận này chủ yếu đến từ chênh lệch ở khoản mục thu nhập góp vốn mua cổ phần.
Cụ thể, Eximbank ghi nhận thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần quý I/2019 chỉ đạt 1,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2018 đạt tới 521,5 tỷ đồng. Nguyên nhân của sự sụt giảm này là do trong quý I/2018, Ngân hàng đã bán hết số cổ phiếu đầu tư vào 1 tổ chức tín dụng khác dẫn đến tăng thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần. Bước sang năm 2019, khoản thu nhập “bất thường” này đã không còn phát sinh.
Ngoài ra, hoạt động kinh doanh ngoại hối cũng kém khả quan hơn khi mang lại 23 tỷ đồng lợi nhuận, giảm 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Lãi từ hoạt động khác giảm 19%, chỉ đạt 38 tỷ đồng.
Ngược lại, thu nhập lãi thuần tăng 24,3%, đạt 829 tỷ đồng. Hoạt động dịch vụ có lãi 79 tỷ đồng, tương đương với cùng kỳ năm 2018. Hoạt động mua bán chứng khoán có lãi 46 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2018 bị lỗ 24 tỷ đồng.
Chi phí hoạt động tăng 6,1% lên mức 674 tỷ đồng. Theo đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Eximbank đạt 343 tỷ đồng, giảm 51,8% so với quý I/2018.
Tính đến thời điểm 31/3/2019, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay của Eximbank cũng tăng từ mức 1,85% đầu năm lên 1,88%.