Lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản: Tiêu chí “bó hẹp” đối tượng tham gia?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Gần đây, một số chủ tài sản khi lựa chọn tổ chức đấu giá thực hiện bán tài sản đã đưa ra tiêu chí phải thực hiện đấu giá trực tuyến (ĐGTT). Việc đẩy mạnh ĐGTT là xu thế tất yếu, tuy nhiên hiện cả nước mới có 4 tổ chức đấu giá tài sản (ĐGTS) đủ điều kiện thực hiện ĐGTT. Theo một số ý kiến, cần phải có lộ trình và hướng dẫn cụ thể để tránh “bó hẹp” đối tượng, hạn chế sự tham gia của nhiều tổ chức ĐGTS.
Hiện cả nước có 4 tổ chức đấu giá tài sản được công bố chính thức đủ điều kiện thực hiện đấu giá trực tuyến. Ảnh minh họa: Lạc Việt
Hiện cả nước có 4 tổ chức đấu giá tài sản được công bố chính thức đủ điều kiện thực hiện đấu giá trực tuyến. Ảnh minh họa: Lạc Việt

Viễn thông Bình Phước vừa lựa chọn tổ chức ĐGTS bán đấu giá cáp đồng thanh lý đợt 4/2021 với số lượng cáp đồng bán thanh lý là 168.833 kg cáp thô các loại. Ngoài các tiêu chí quy định tại Khoản 4 Điều 56 Luật ĐGTS, Viễn thông Bình Phước yêu cầu tổ chức ĐGTS phải có phương án đấu giá đề xuất là ĐGTT, nếu không thì sẽ đánh giá là không đạt và bị loại.

Tại thông báo chọn tổ chức ĐGTS cáp đồng thanh lý (số lượng 115.562 m cáp đồng các loại), VNPT Hà Nam dành 20/100 điểm cho tiêu chí “hình thức đấu giá”. Cụ thể, đơn vị thực hiện hình thức ĐGTT (có quyết định phê duyệt tổ chức ĐGTS đủ điều kiện thực hiện ĐGTT; hệ thống ĐGTT đã đấu giá thành công tối thiểu 30 hợp đồng với giá trị đấu giá thành công của tài sản bằng hình thức ĐGTT từ 400 tỷ đồng trở lên) thì đạt tối đa 20 điểm. Đơn vị thực hiện hình thức ĐGTT đủ điều kiện được 10 điểm. Đơn vị thực hiện hình thức đấu giá truyền thống được 5 điểm.

Một cán bộ của VNPT Hà Nam cho biết, đơn vị đưa ra tiêu chí này căn cứ theo văn bản hướng dẫn của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) về việc quy định và hướng dẫn thanh lý cáp đồng. Mục tiêu của VNPT Hà Nam là lựa chọn các đơn vị có hệ thống ĐGTT đủ điều kiện thực hiện ĐGTT. Qua xét duyệt hồ sơ của các tổ chức ĐGTS, chỉ có 1 tổ chức đạt điểm tối đa (20 điểm), các tổ chức khác đều không đạt điều kiện này.

Trước đó, ngày 10/6/2021, VNPT có Văn bản số 3065/VNPT-KHĐT-KTPCTT-KTTC về việc quy định và hướng dẫn thanh lý cáp đồng. Trong văn bản này, VNPT yêu cầu các VNPT tỉnh, thành phố lựa chọn tổ chức ĐGTS phải ưu tiên sử dụng hình thức ĐGTT, khi không lựa chọn được tổ chức ĐGTS thực hiện ĐGTT thì sử dụng hình thức đấu giá truyền thống.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, một cán bộ của Ban Kiểm tra - Pháp chế - Thanh tra thuộc VNPT cho biết, để bảo đảm hiệu quả cao nhất trong ĐGTS, tránh tiêu cực, thông đồng..., VNPT định hướng ưu tiên lựa chọn tổ chức ĐGTS sử dụng hình thức ĐGTT. “Cạnh tranh giữa các tổ chức ĐGTS có thể bị giảm đi, nhưng Luật ĐGTS cho phép chủ tài sản có quyền đưa ra tiêu chí lựa chọn như vậy”, cán bộ này nhấn mạnh.

Theo khảo sát của Báo Đấu thầu, hiện cả nước có 4 tổ chức ĐGTS được công bố chính thức đủ điều kiện thực hiện ĐGTT. Trong đó, 1 tổ chức ĐGTS vẫn chưa thực sự vận hành trang thông tin ĐGTT (đang trong quá trình hoàn thiện); 2 tổ chức có số cuộc bán ĐGTT và giá trị đấu giá thành công của tài sản bằng hình thức ĐGTT vẫn còn khiêm tốn, chỉ khoảng 10 - 20 cuộc, giá trị đấu giá thành công khoảng 20 tỷ đồng); 1 tổ chức đã cán mốc hơn 400 tỷ đồng giá trị đấu giá thành công bằng hình thức ĐGTT.

Theo quy định của Luật ĐGTS, tổ chức ĐGTS có thể sử dụng trang thông tin ĐGTT của mình hoặc ký hợp đồng với tổ chức ĐGTS khác có trang thông tin ĐGTT để tổ chức ĐGTT. Tuy nhiên, trên thực tế, việc ký hợp đồng hợp tác có thể phát sinh nhiều bất cập (khi một trong 2 bên thực hiện quy trình thủ tục ĐGTS không chuẩn, trách nhiệm giải trình, gặp lỗi, tình huống không mong muốn…). Chính vì lý do này mà ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Công ty Đấu giá hợp danh Rồng Việt (tổ chức ĐGTS đủ điều hiện ĐGTT) vẫn còn e ngại, chưa ký kết hợp tác với tổ chức ĐGTS khác để thực hiện ĐGTT.

Việc đẩy mạnh ĐGTT là xu thế tất yếu, tránh tiêu cực trong hoạt động đấu giá. Tuy nhiên, hiện nay chưa có nhiều đơn vị triển khai ĐGTT, cơ chế phối hợp giữa các tổ chức ĐGTS còn thiếu nhiều ràng buộc pháp lý, trách nhiệm giải trình. Trình độ, sự hiểu biết về công nghệ thông tin, ĐGTT của người tham gia đấu giá còn hạn chế. Có ý kiến cho rằng, việc đẩy mạnh ĐGTT cần có lộ trình, khung pháp lý đầy đủ hơn trong việc phối hợp giữa các tổ chức ĐGTS.

Theo một chuyên gia đấu giá, ĐGTT hiện nay thực chất là cách thức trả giá và công bố trúng đấu giá qua mạng chứ chưa phải là quá trình thực hiện ĐGTT đúng nghĩa, bởi người tham gia đấu giá vẫn phải mua hồ sơ và đăng ký tham gia đấu giá, nộp tiền đặt trước như đấu giá trực tiếp. Do đó, việc đưa ra tiêu chí về phương án ĐGTT nên là một trong các tiêu chí chấm điểm khuyến khích, không phải là tiêu chí quan trọng phản ánh năng lực, kinh nghiệm của tổ chức ĐGTS.

Được biết, Cục Bổ trợ tư pháp thuộc Bộ Tư pháp đang dự thảo, lấy ý kiến rộng rãi đối với Thông tư quy định tiêu chí lựa chọn tổ chức ĐGTS theo quy định tại Khoản 4 Điều 56 Luật ĐGTS. Theo Dự thảo Thông tư, tiêu chí tổ chức ĐGTS có triển khai ĐGTT chỉ là 1 tiêu chí nhỏ trong nhóm tiêu chí về cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết để bảo đảm cho việc đấu giá. Việc có trang thông tin ĐGTT được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt chỉ chiếm 1 điểm trên thang điểm 100 để đánh giá.

Chuyên đề