Linh động chuyển hướng đầu tư để gặt hái thành công

(BĐT) - Trước tình hình khan hiếm quỹ đất, cộng thêm bị vướng mắc về thủ tục pháp lý nên khó triển khai dự án, những năm qua nhiều chủ đầu tư bất động sản (BĐS) đã chuyển hướng đầu tư ra các tỉnh xa trung tâm TP.HCM cũng như Hà Nội và đã gặt hái được rất nhiều thành công.
Nhiều doanh nghiệp bất động sản đã hướng tới những địa phương có quỹ đất rộng lớn, đủ sức phát triển những dự án quy mô, chất lượng. Ảnh: Lê Tiên
Nhiều doanh nghiệp bất động sản đã hướng tới những địa phương có quỹ đất rộng lớn, đủ sức phát triển những dự án quy mô, chất lượng. Ảnh: Lê Tiên

Sự chuyển hướng nhanh nhạy

Dẫn đầu danh sách các doanh nghiệp (DN) có sự chuyển hướng nhanh nhạy này phải kể đến các tập đoàn lớn như Vingroup, Novaland, Hưng Thịnh, FLC Group, CEO, TNR Holding… Những năm qua, tại các tỉnh như Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa, Đồng Nai, Phú Yên, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk… đều có sự hiện diện của các dự án thuộc một trong các tên tuổi nói trên.

Đơn cử như Công ty CP Tập đoàn Hưng Thịnh, từ năm 2018 đến nay đã để lại dấu ấn ở nhiều tỉnh, thành với những dự án đình đám như: Khu đô thị Golden Bay 602 ở phía Bắc bán đảo Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa; Khu biệt thự bên sông Bien Hoa New City ở TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai; Khu đô thị Ba Ria City Gate ở TP. Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; Khu biệt thự Para Draco ở huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa; Khu dân cư Vinh Long New Town, ở TP. Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long; Căn hộ du lịch Vung Tau Pearl ở TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; Tổ hợp căn hộ cao cấp Grand Center Quy Nhon, ở TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), dự báo thị trường BĐS năm 2020, triển vọng phát triển sẽ nghiêng về những DN sở hữu quỹ đất lớn, đầy đủ pháp lý ở những khu vực có tiềm năng phát triển. Đặc biệt, các khu vực khá xa như Tây Nguyên, nơi có quỹ đất rộng lớn, đủ sức phát triển những dự án quy mô, chất lượng, cũng sẽ đón nhận hàng loạt dự án mới trong những năm tới.

Chính việc còn dư địa rất lớn để phát triển BĐS nên các nhà đầu tư địa ốc có tầm nhìn xa đã không bỏ lỡ cơ hội mở rộng thị trường mới bằng những dự án khủng, hứa hẹn mang đến một sự thay da đổi thịt cho bộ mặt của các tỉnh, thành nói trên. Hướng đi này tới đây sẽ tiếp tục thịnh hành và được nhiều DN lựa chọn, bởi các sân chơi mới này còn nhiều dư địa phát triển.

Quỹ đất rộng lớn, tiềm năng còn nhiều

Với quỹ đất rộng lớn thứ hai Tây Nguyên chưa được đánh thức, liên tục những năm gần đây, Gia Lai luôn được các DN BĐS như Vingroup, Tập đoàn FLC, VK Land, Sơn Hà… chú ý. Minh chứng là từ cuối năm 2019, Tập đoàn FLC đã “chốt hạ” ở Gia Lai với Dự án Tổ hợp khách sạn và nhà phố thương mại FLC Hilltop Gia Lai, tọa lạc giữa trung tâm TP. Pleiku. Tuy có thế mạnh để phát triển du lịch sinh thái, cảnh quan, di tích lịch sử nhưng Pleiku hiện nay vẫn chưa được đầu tư bài bản, thiếu những tổ hợp dịch vụ thương mại và hạ tầng giao thông. Vì vậy, dự án với tổng vốn đầu tư trên 760 tỷ đồng này đang được chính quyền và người dân rất kỳ vọng.

Tương tự, tỉnh Kon Tum đến nay cũng đã thu hút nhiều dự án BĐS cao cấp như Khu đô thị FLC Legacy Kontum, Khu đô thị Mega City Kon Tum, Tổ hợp Trung tâm thương mại - Shophouse Vincom Kon Tum…

Đặc biệt là Đắk Lắk, nơi được mệnh danh là thủ phủ của Tây Nguyên với quỹ đất dồi dào, tốc độ đô thị hóa nhanh, đang được các chủ đầu tư chạy đua để săn tìm phát triển dự án. Hiện một DN lớn đến từ Hà Nội đang đổ vốn vào các lĩnh vực phát triển du lịch, nhà ở đô thị, khu dân cư, khu đô thị mới ở đây với tổng giá trị đầu tư khoảng gần 1.800 tỷ đồng.

Nhiều chuyên gia BĐS nhận định, không chỉ đỉnh điểm năm 2019, mà nhiều năm trước đó, thị trường BĐS TP.HCM trải qua rất nhiều khó khăn khi không ít dự án không thể triển khai vì chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý, cộng với đó là quỹ đất tại trung tâm Thành phố ngày càng hạn hẹp, giá nhà ở ngày một tăng cao. Cho nên, thời gian qua, một số DN có tiềm lực mạnh đã chạy đua mở rộng thị trường ở những “miền đất quả vàng” nêu trên, nhằm chuẩn bị sẵn sàng để bung hàng trong thời gian tới.

Nhờ hướng đi đúng này, nhiều DN đã đảm bảo được sự hoạt động ổn định và phát triển tốt, sản phẩm BĐS trên thị trường cũng đa dạng và dồi dào, đáp ứng nhu cầu của người mua. Tuy nhiên, theo TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Bộ phận Đầu tư của Savills Việt Nam, các chủ đầu tư cần chú ý quy hoạch bài bản, đồng bộ và có tầm nhìn dài hạn để các dự án khớp nối được quy hoạch hạ tầng của các địa phương và phát triển lâu dài. Khi quỹ đất rộng chưa được khai thác xứng tầm, nghĩa là cơ hội cho những dự án tầm cỡ vẫn luôn rộng mở. 

Chuyên đề