Lấy ý kiến cho Dự thảo Nghị định về phí sử dụng đường bộ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bộ Tài chính đang lấy ý kiến cho Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ (Dự thảo).
Mức thu phí sử dụng đường bộ áp dụng cho ô tô (trừ xe ô tô của lực lượng công an, quốc phòng) được chia làm 8 nhóm theo tải trọng và ghế ngồi của xe. Ảnh: Lê Tiên
Mức thu phí sử dụng đường bộ áp dụng cho ô tô (trừ xe ô tô của lực lượng công an, quốc phòng) được chia làm 8 nhóm theo tải trọng và ghế ngồi của xe. Ảnh: Lê Tiên

Dự thảo quy định đối tượng chịu phí sử dụng đường bộ là ô tô (xe ô tô, xe đầu kéo và các loại xe tương tự) đã đăng ký, kiểm định để lưu hành. Đồng thời, quy định một số trường hợp xe không chịu phí sử dụng đường bộ do: bị hủy hoại, bị tịch thu, bị tai nạn không thể sử dụng tiếp sau sửa chữa; xe không sử dụng đường bộ trong thời gian dài trên 30 ngày.

Theo Dự thảo, mức thu phí áp dụng cho ô tô (trừ xe ô tô của lực lượng công an, quốc phòng) chia làm 8 nhóm theo tải trọng và ghế ngồi của xe: từ 130.000 đồng/tháng đến 1.430.000 đồng/tháng; xe ô tô của lực lượng công an, quốc phòng chia làm 2 nhóm: xe ô tô con mức 1.000.000 đồng/năm; xe tải, xe khách: 1.500.000 đồng/năm.

Về cách tính và thu phí, xe ô tô của lực lượng công an, quốc phòng: Bộ Công an, Bộ Quốc phòng nộp phí cho toàn bộ xe ô tô mình quản lý 1 lần/năm; xe ô tô còn lại nộp theo chu kỳ đăng kiểm; theo năm dương lịch; theo tháng…

Về quản lý, sử dụng tiền phí, Dự thảo đề xuất Cục Đường bộ Việt Nam được để lại 1,2% tiền phí thu được để trang trải chi phí cho hoạt động thu phí. Các trung tâm đăng kiểm thu phí nộp về Cục Đăng kiểm Việt Nam để tổng hợp và khai, nộp phí vào ngân sách nhà nước. Các trung tâm đăng kiểm được để lại 1,32% tiền phí thu được để trang trải chi phí cho hoạt động thu phí. Trường hợp trung tâm đăng kiểm thuộc doanh nghiệp thì tiền phí để lại là doanh thu của trung tâm; trung tâm khai, nộp thuế theo quy định.

Chuyên đề