Làm gì để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt?

(BĐT) - Số lượng và giá trị giao dịch của thanh toán không dùng tiền mặt đã tăng trưởng nhanh chóng trong thời gian qua và có tiềm năng phát triển lớn mạnh. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia trong ngành, các loại hình dịch vụ trong lĩnh vực này phát triển chưa đồng đều.
Các sản phẩm dịch vụ giao dịch điện tử vẫn tập trung ở những tính năng, ứng dụng đơn giản như chuyển tiền, thanh toán dịch vụ hàng ngày. Ảnh: Tiên Giang
Các sản phẩm dịch vụ giao dịch điện tử vẫn tập trung ở những tính năng, ứng dụng đơn giản như chuyển tiền, thanh toán dịch vụ hàng ngày. Ảnh: Tiên Giang

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, thanh toán không dùng tiền mặt đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đến nay, có 78 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán cung cấp dịch vụ thanh toán qua Internet và 45 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán di động (mobile payment). Số lượng giao dịch tài chính qua kênh Internet đạt hơn 226 triệu giao dịch với giá trị giao dịch khoảng 10,9 triệu tỷ đồng (tăng tương ứng 51,8% và 18,3% so với cùng kỳ năm 2018); số lượng giao dịch tài chính qua kênh điện thoại di động đạt gần 202 triệu giao dịch với giá trị giao dịch hơn 2,09 triệu tỷ đồng (tăng tương ứng 104,9% và 155,3% so với cùng kỳ năm 2018).

Trong khi đó, bình luận về chuyển động trên thị trường thanh toán không dùng tiền mặt, ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thuộc Bộ Công Thương nói: “Các con số thống kê cho thấy xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt đang ngày càng phổ biến và tăng trưởng đáng khích lệ. Song, điểm còn hạn chế trên thị trường là các mảng dịch vụ phát triển không đồng đều, thanh toán bằng tiền mặt vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong các giao dịch điện tử và trở thành rào cản với lĩnh vực thương mại điện tử”.

Đồng tình với ý kiến này, ông Phạm Trung Kiên, Tổng giám đốc Tổng công ty Dịch vụ số Viettel nhận xét: “Việc hàng trăm doanh nghiệp fintech, hàng chục công ty trung gian thanh toán đang hoạt động cho thấy thị trường này rất có tiềm năng phát triển. Tuy nhiên, các sản phẩm, dịch vụ vẫn tập trung ở những tính năng, ứng dụng đơn giản và ở mức cơ bản như chuyển tiền, thanh toán một số dịch vụ hàng ngày”.

Từ góc nhìn của một nhà đầu tư, theo ông Phùng Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI), số lượng công ty hoạt động trong lĩnh vực này thực tế là vẫn chưa nhiều, những sản phẩm, dịch vụ phức tạp như cho vay ngang hàng, tiền mã hóa, huy động vốn cộng đồng… vẫn còn khá ít ỏi.

“Đó là những dịch vụ cần đẩy mạnh nhưng mức độ phát triển cầm chừng như vậy có thể là do thiếu khung pháp lý và thiếu sự khuyến khích của cơ quan quản lý”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Cũng theo vị Phó Chủ tịch VAFI, Việt Nam đang ở sau trong cuộc đua với các nước trong khu vực Đông Nam Á trên thị trường này. Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore đều rất năng động và ý thức rõ sự cần thiết phải khuyến khích phát triển các doanh nghiệp fintech trong lĩnh vực thanh toán. Indonesia đã có nhiều startup thành công ở thị trường quốc tế. Singapore đang chuẩn bị cấp phép ngân hàng điện tử. Malaysia tạo điều kiện và khuyến khích lĩnh vực tài chính công sử dụng dịch vụ fintech. Philippines có hệ thống thanh toán Instapay phát triển rất mạnh mẽ.

“Các dịch vụ này ở các nước đều dùng giải pháp định danh khách hàng điện tử (eKYC) chứ không còn dùng đến thẻ căn cước nữa. Họ đã đi trước Việt Nam khá nhanh. Chúng ta có lợi thế dân số trẻ và đông, đồng thời, các cơ quan nhà nước cũng rất nỗ lực xây dựng khung chính sách cho lĩnh vực này. Tuy nhiên, cần hiện thực hóa các chủ trương và chính sách để doanh nghiệp có thể phát triển và người dùng không ngại ngần”, ông Tuấn nói.

Cũng từ góc độ tiện ích cho người dùng, ông Phạm Trung Kiên nêu quan điểm: “Để người tiêu dùng mặn mà với thanh toán không dùng tiền mặt thì nhất thiết phải tạo sự tiện dụng. Thanh toán qua các ứng dụng có lúc mất vài phút để nhập mật khẩu, vào ứng dụng, trong khi thanh toán bằng tiền mặt chỉ mất vài giây. Như vậy, để thu hút người dùng thì thanh toán không dùng tiền mặt cũng phải rút xuống còn vài giây, điều này đòi hỏi phải thay đổi và nâng cấp hạ tầng rất mạnh mẽ. Nếu không làm được, chúng ta có đẩy dịch vụ vào tay thì người tiêu dùng vẫn không muốn dùng”.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư