Lãi suất huy động khó tăng đột biến

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số ngân hàng có xu hướng tăng nhẹ lãi suất huy động trong những ngày gần đây. Giới chuyên gia dự báo, mặt bằng lãi suất có thể tăng nhẹ trong thời gian tới, nhưng khó có thể tăng đột biến do nhiều ngân hàng đã bù đắp thiếu hụt vốn bằng việc phát hành trái phiếu và cơ quan điều hành chú trọng điều tiết cung cầu vốn để bảo đảm ổn định thị trường tiền tệ, qua đó ổn định kinh tế vĩ mô.
Diễn biến lãi suất trong thời gian tới sẽ phụ thuộc nhiều vào các yếu tố vĩ mô như lạm phát, tăng trưởng kinh tế và khả năng kiểm soát dịch bệnh. Ảnh: Minh Dũng
Diễn biến lãi suất trong thời gian tới sẽ phụ thuộc nhiều vào các yếu tố vĩ mô như lạm phát, tăng trưởng kinh tế và khả năng kiểm soát dịch bệnh. Ảnh: Minh Dũng

Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) vừa công bố biểu lãi suất huy động dành cho khách hàng cá nhân, áp dụng từ 27/5 với mức tăng 0,1 - 0,3 điểm % ở nhiều kỳ hạn. Mới đây, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng áp dụng biểu lãi suất tiền gửi mới với mức tăng từ 0,1 - 0,2 điểm % ở nhiều kỳ hạn. Trong khi đó, nhiều ngân hàng vẫn giữ ổn định lãi suất huy động trong nhiều tháng qua.

Theo TS. Châu Đình Linh, Đại học Ngân hàng TP.HCM, việc một số ngân hàng tăng lãi suất huy động chưa hẳn là xu thế chung của thị trường, song cũng phần nào cho thấy có biến động về cung cầu trên thị trường tiền tệ khi nhu cầu vay tăng nhưng nguồn lực chưa đủ lớn và đây cũng có thể là phản ứng mang tính quy luật khi xuất hiện sức ép lạm phát tăng.

Tuy nhiên, lãi suất huy động cũng chỉ nhích nhẹ cho thấy tình trạng cung cầu tiền tệ chưa hẳn đã căng thẳng. Mặt khác, hiện các tổ chức tín dụng không chỉ cân đối cung cầu vốn bằng cách tăng lãi suất huy động mà còn thực hiện qua kênh phát hành trái phiếu. Cách làm này giúp ngân hàng có nguồn vốn trung và dài hạn phục vụ hoạt động cho vay, đồng thời góp phần bảo đảm các chỉ tiêu an toàn tài chính theo quy định.

Đơn cử, mới đây VietinBank đã phát hành hai lô trái phiếu riêng lẻ trị giá gần 1.600 tỷ đồng. Cụ thể, Ngân hàng đã phát hành 1.500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 8 năm, mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu; lãi suất trái phiếu gần 6,5%/năm. Đồng thời, Ngân hàng còn phát hành 85 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 15 năm với lãi suất 6,7%/năm.

Việc huy động được hàng nghìn tỷ đồng vốn rẻ để bổ sung cho các chiến lược kinh doanh sẽ tạo điều kiện để các nhà băng giữ ổn định lãi suất huy động, lãi suất cho vay. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đang kiểm soát chặt các biến động trên thị trường tiền tệ, trong đó, việc giữ ổn định mặt bằng lãi suất luôn được chú trọng.

Tương tự, từ cuối tháng 4, VIB đã phát hành 3 đợt trái phiếu không chuyển đổi, không có tài sản bảo đảm và không kèm chứng quyền, huy động được khoảng 4.000 tỷ đồng, với lãi suất 3,7 - 4%/năm. ACB mới đây đã phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm, lãi suất 4%/năm. TPBank cũng huy động 2.600 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm, lãi suất từ 3,8 - 4,1%/năm; VPBank huy động 4.500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm, lãi suất 3,9 - 4,2%/năm.

Các ngân hàng khác như HDBank, SHB hiện cũng gia nhập cuộc đua phát hành trái phiếu. Theo đó SHB phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu 2 năm với lãi suất cố định 3,8%/năm; tiền lãi được trả sau, định kỳ một năm một lần. HĐQT HDBank đã chấp thuận chủ trương phát hành trái phiếu lần 1 với tổng mệnh giá phát hành tối đa 1.500 tỷ đồng và 10.000 tỷ đồng trái phiếu phát hành lần 2 năm 2021.

Ông Linh cho rằng, nguồn vốn rẻ từ huy động trái phiếu giúp giảm sức ép tăng lãi suất tiền gửi. Mặt khác, việc huy động được hàng nghìn tỷ đồng vốn rẻ để bổ sung cho các chiến lược kinh doanh sẽ tạo điều kiện để các nhà băng giữ ổn định lãi suất huy động, lãi suất cho vay. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đang kiểm soát chặt các biến động trên thị trường tiền tệ, trong đó, việc giữ ổn định mặt bằng lãi suất luôn được chú trọng. Do đó, diễn biến lãi suất trong thời gian tới sẽ phụ thuộc nhiều vào các yếu tố vĩ mô như lạm phát, tăng trưởng kinh tế, nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt giúp tăng trưởng kinh tế tích cực, lạm phát ổn định thì thị trường sẽ ít có biến động lớn.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt giúp kinh tế hồi phục tích cực thì nhu cầu vay vốn từ ngân hàng sẽ tăng cao, từ đó đẩy lãi suất huy động tăng lên. “Thời điểm này, chính sách tiền tệ cần được điều tiết một cách linh hoạt, vừa hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, vừa góp phần kiểm soát lạm phát để ổn định kinh tế vĩ mô”, ông Hiếu nói.

Chuyên đề