Lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng có xu hướng tăng trở lại từ đầu tháng 3 với mức tăng từ 0,2 - 0,4 điểm phần trăm ở các kỳ hạn. Ảnh: Lê Tiên |
Lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng có xu hướng tăng trở lại từ đầu tháng 3 với mức tăng từ 0,2 - 0,4 điểm phần trăm ở các kỳ hạn. TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, khi lãi suất huy động tăng thì lãi suất cho vay cũng sẽ tăng theo, có thể tức thì, cũng có thể có độ trễ nhất định, tùy thuộc vào chiến lược của từng ngân hàng. Tuy nhiên, thị trường chưa hình thành xu hướng tăng mặt bằng lãi suất. “Trong thời gian tới, diễn biến lãi suất sẽ phụ thuộc đáng kể vào lạm phát. Lạm phát của Việt Nam được kiểm soát tốt từ năm ngoái đến nay, nếu Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng lại trong quý II và quý III thì nhiều khả năng lãi suất sẽ lại tăng”, ông Hiếu nói.
Đánh giá chung về xu hướng lãi suất trong những năm qua, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, mặt bằng lãi suất đã giảm đáng kể. So với mặt bằng đầu năm trong giai đoạn 2015 - 2016, lãi suất huy động giảm 2,3 điểm phần trăm, lãi suất cho vay bình quân đã giảm 3,6 điểm phần trăm.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp thuộc Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng ở Việt Nam vẫn đang ở mức cao so với một số đối thủ cạnh tranh trong khu vực như: Trung Quốc, Thái Lan…, làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời, tạo rào cản phát triển các thị trường vốn khác. Hiện Việt Nam có đủ điều kiện (dòng vốn ngoại tệ thặng dư liên tục, áp lực lạm phát thấp, vốn nước ngoài tăng nhanh…) để có thể thực hiện chính sách tiền tệ lãi suất thấp mà không quá quan ngại đến các yếu tố vĩ mô khác.
TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, việc so sánh mặt bằng lãi suất của Việt Nam với một số nước trong khu vực là hơi khập khiễng, vì phải so sánh lãi suất cho vay thực đã cấn trừ lạm phát và một số yếu tố khác.
Theo ông Lực, có 4 nguyên nhân khiến lãi suất của Việt Nam vẫn còn cao trong so sánh với một số nước trong khu vực. Một là, lạm phát của Việt Nam cao hơn nhiều nước trong khu vực và thế giới. Hai là, rủi ro nền kinh tế và rủi ro của doanh nghiệp Việt Nam cao hơn vì xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức BB, trong khi Indonesia đã được đánh giá mức BBB, Trung Quốc đã gần lên mức A. Rủi ro cao thì lãi suất phải cao.
Ba là, chênh lệch lãi suất đầu vào - đầu ra của một số nước trong khu vực ở mức hơn 3%, nhưng tại Việt Nam chỉ khoảng 2,6%. Cuối cùng, lãi suất đầu vào khó giảm xuống vì người gửi tiết kiệm luôn kỳ vọng lãi suất cao, nếu điều chỉnh giảm sẽ khiến dòng tiền dịch chuyển.
Ông Lực nêu quan điểm: “Ở thời điểm này, chưa nên giảm lãi suất và đây không phải là điểm nghẽn của dòng tín dụng. Tín dụng năm 2020 vẫn tăng trưởng hơn 12%. Nếu tiếp tục giảm lãi suất, dòng tiền sẽ dịch chuyển kênh đầu tư, gây áp lực lên lạm phát”.
Từ phía cơ quan điều hành chính sách tiền tệ, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, việc điều hành chính sách lãi suất trong thời gian tới vẫn trên quan điểm trước hết là ổn định đối với cả lãi suất huy động và cho vay. Đồng thời, cẩn trọng với những dấu hiệu tác động của kinh tế thế giới, việc dịch chuyển giữa các dòng vốn từ thị trường tiền tệ sang thị trường trái phiếu, thị trường vốn hoặc thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản… để điều hành chính sách lãi suất một cách hợp lý.
“Nếu các yếu tố đó vẫn tích cực thì Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục tìm cách giảm cả lãi suất huy động và cho vay. Đồng thời, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung hạn chế, giảm bớt chi phí, tạo điều kiện giảm tiếp lãi suất cho doanh nghiệp và người dân trong cả năm 2021, trước mắt là những tháng đầu năm”, ông Tú nhấn mạnh.