Lãi suất sẽ giảm tiếp?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trước các diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, có ý kiến cho rằng, lãi suất điều hành có thể tiếp tục được giảm nhằm tạo điều kiện hạ mặt bằng lãi suất huy động và cho vay. Tuy nhiên, việc giảm lãi suất cần hết sức cân nhắc bởi điểm nghẽn của dòng vốn tín dụng trong nền kinh tế không phải là lãi suất. Đáng lưu ý, mặt bằng lãi suất thấp có thể dẫn dòng vốn giá rẻ đến với những kênh đầu tư rủi ro.
Lãi suất phụ thuộc rất lớn vào tỷ lệ lạm phát và chính sách điều tiết tiền tệ của Chính phủ. Ảnh: Minh Dũng
Lãi suất phụ thuộc rất lớn vào tỷ lệ lạm phát và chính sách điều tiết tiền tệ của Chính phủ. Ảnh: Minh Dũng

Ngày 22/2/2021, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) giảm đồng loạt lãi suất tiền vay cho toàn bộ dư nợ vay hiện hữu và cho vay mới của khách hàng trong thời gian 3 tháng từ 22/2/2021 đến 22/5/2021.

Cụ thể, đối với khách hàng doanh nghiệp, Vietcombank giảm tới 10% số tiền lãi phải trả cho các khách hàng bị ảnh hưởng tiêu cực mức độ mạnh bởi dịch Covid-19; giảm 5% số tiền lãi phải trả cho các khách hàng còn lại bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Đối với khách hàng cá nhân, Vietcombank giảm lãi suất 0,2%/năm cho các khách hàng vay vốn sản xuất kinh doanh trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Ngay trước Tết Nguyên đán 2021, nhiều ngân hàng thương mại công bố giảm lãi suất huy động. Vietcombank giảm 0,1 điểm phần trăm với lãi suất tiền gửi của một số kỳ hạn.

Đầu tháng 2, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất đầu vào ở các kỳ hạn, với mức giảm tới 0,4 điểm phần trăm so với tháng đầu năm.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, trong năm nay, lãi suất còn dư địa để giảm tiếp, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay có thể tiếp tục giảm trong quý I do nền kinh tế vẫn còn chịu tác động của dịch Covid-19 khiến nhu cầu vay vốn không cao.

Trong bối cảnh nền kinh tế đang rất cần sự hỗ trợ, trong khoảng quý I/2021, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể sẽ tiếp tục hạ lãi suất thêm. Tuy nhiên, một số yếu tố có thể ảnh hưởng tới quyết định hạ lãi suất này như thị trường chứng khoán, bất động sản đều đang hưởng lợi khi lãi suất xuống quá sâu. Điều này có thể tạo ra bong bóng tài sản nên cơ quan chức năng buộc phải cân nhắc về liều lượng và cách thức hạ lãi suất cho phù hợp. Sau quý I, nếu diễn biến dịch bệnh được kiểm soát tốt, nền kinh tế có tín hiệu phục hồi mạnh thì nhiều khả năng lãi suất sẽ tăng trở lại trong quý II.

Trước Tết Nguyên đán 2021, nhiều ngân hàng thương mại công bố giảm lãi suất huy động. Vietcombank giảm 0,1 điểm phần trăm với lãi suất tiền gửi của một số kỳ hạn. Đầu tháng 2, Techcombank điều chỉnh giảm lãi suất đầu vào ở các kỳ hạn, với mức giảm tới 0,4 điểm phần trăm so với tháng đầu năm.

Ở khía cạnh khác, biến động của lãi suất cũng chịu tác động từ sức tăng trưởng của nền kinh tế và lạm phát. Theo đó, lãi suất huy động thường bằng tỷ lệ lạm phát cộng thêm 2%, sau đó cộng thêm 3% là bằng lãi suất cho vay ra nền kinh tế. Năm 2020, lạm phát bình quân là 3,23% thì lãi suất huy động ở mức 5 - 6%, còn lãi suất cho vay khoảng 8 - 9% là phù hợp. Lạm phát cao thì khó có thể có lãi suất thấp được. Vì thế, lãi suất nửa cuối năm 2021 sẽ phụ thuộc rất lớn vào tỷ lệ lạm phát, chính sách điều tiết tiền tệ của Chính phủ. Trong nửa sau năm 2021, nếu Chính phủ đẩy lượng lớn tiền vào lưu thông thì nền kinh tế có thể bật tăng trở lại và lãi suất sẽ tăng theo sức nóng của nền kinh tế.

Trong khi đó, theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, lãi suất điều hành ít khả năng giảm và không nên giảm thêm. Bởi vì, mặt bằng lãi suất hiện đã ở mức thấp và việc tiếp tục giảm lãi suất điều hành nhằm giảm mặt bằng lãi suất có thể dẫn đến tình trạng gửi tiết kiệm kém cạnh tranh so với các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản… Mặt khác, lãi suất cho vay hiện đã ở mức khá hấp dẫn, nếu lãi suất cho vay thấp hơn nữa có thể dẫn đến tình trạng dòng vốn tín dụng giá rẻ chảy vào các kênh đầu tư rủi ro, đòi hỏi tăng cường kiểm soát chặt chẽ hơn. Do đó, cần cân nhắc điều hành lãi suất vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vừa bảo đảm kiểm soát ổn định kinh tế vĩ mô.

Các chuyên gia phân tích của Công ty CP Chứng khoán Bản Việt cho rằng, NHNN sẽ duy trì trần lãi suất huy động ngắn hạn (dưới 6 tháng) ở mức 4% vào năm 2021 và khó có thể cắt giảm trần lãi suất tiền gửi sâu hơn.

Chuyên đề