Lãi suất huy động khó tăng mạnh

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau một thời gian duy trì ở mức thấp kỷ lục, lãi suất huy động đã được một số ngân hàng điều chỉnh tăng trở lại từ đầu tháng 3. Nhiều ý kiến cho rằng, việc điều chỉnh lãi suất huy động được các ngân hàng tính toán dựa trên bài toán kinh doanh theo từng giai đoạn và khó có thể tăng mạnh.
Việc tăng lãi suất chỉ diễn ra ở một số ngân hàng chứ chưa hẳn là xu hướng chung của cả thị trường. Ảnh: Lê Tiên
Việc tăng lãi suất chỉ diễn ra ở một số ngân hàng chứ chưa hẳn là xu hướng chung của cả thị trường. Ảnh: Lê Tiên

Đầu tháng 3, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương (Techcombank) tăng 0,1 - 0,5 điểm % lãi suất huy động các kỳ hạn. Cùng thời điểm, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) tăng lãi suất tiền gửi 0,05 - 0,2 điểm % tại một số kỳ hạn.

Từ ngày 15/3, một số ngân hàng khác cũng tăng lãi suất tiền gửi. Đơn cử, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) tăng lãi suất huy động ở tất cả kỳ hạn với mức tăng 0,1 - 0,2 điểm %/năm.

Trong khi đó, một số ngân hàng lại giảm lãi suất huy động. Chẳng hạn, Ngân hàng TMCP Đông Á giảm 0,2 điểm %/năm với lãi suất huy động ở tất cả kỳ hạn; Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) giảm lãi suất kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng với mức giảm 0,3 điểm %/năm.

Quan sát biến động trên thị trường, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, cho rằng, việc tăng lãi suất chỉ diễn ra ở một số ngân hàng nhất định chứ chưa hẳn là xu hướng chung của cả thị trường. Theo vị chuyên gia này, mục đích tăng lãi suất chủ yếu là để thu hút nguồn vốn và được các ngân hàng cân nhắc, tính toán thận trọng theo từng giai đoạn, có thể để tăng nguồn lực cho vay, song cũng có thể để “trám” nguồn vốn thiếu hụt do chưa giải quyết được các khoản nợ xấu.

“Trong giai đoạn khó khăn do Covid-19, nhiều khoản vay đã trở thành nợ xấu khiến ngân hàng bị thiếu hụt nguồn vốn nên cần phải huy động vốn mới để có nguồn lực cho vay khi nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi. Lãi suất huy động có thể còn tiếp tục tăng trong thời gian tới nếu Chính phủ khống chế tốt dịch bệnh, nền kinh tế có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, mức tăng lãi suất (nếu có) sẽ không lớn bởi sức hồi phục kinh tế chưa thể mạnh mẽ và Chính phủ chủ trương giữ mặt bằng lãi suất ổn định để hỗ trợ nền kinh tế”, ông Hiếu nói.

Còn theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, việc tăng lãi suất huy động vừa qua chỉ mang tính cục bộ ở một số ngân hàng và chủ yếu để tăng tính hấp dẫn của tiền gửi trong bối cảnh các kênh khác như chứng khoán, bất động sản đang trở nên hấp dẫn hơn. Nhìn chung, mặt bằng lãi suất, cả huy động và cho vay chưa có nhiều biến động và đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Dự báo về xu hướng trong thời gian tới, ông Lực cho rằng, lãi suất cho vay sẽ rất khó tăng vì Chính phủ đã có chỉ đạo rõ ràng về giữ mặt bằng lãi suất ở mức thấp để hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức tín dụng phải tiếp tục hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh sức hấp thụ vốn tín dụng của nền kinh tế vẫn còn yếu.

Từ góc độ khác, TS. Võ Trí Thành, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, kinh tế phục hồi càng mạnh sẽ đẩy nhu cầu tín dụng tăng trong khi vẫn phải nỗ lực để giữ lãi suất ở mức thấp nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp. Do đó, việc điều hành chính sách tiền tệ phải rất thận trọng và khéo léo. Chính sách tiền tệ chặt chẽ quá có thể gây khó cho sức phục hồi của nền kinh tế, nhưng nếu nới lỏng quá có thể gây rủi ro tài chính, đẩy lạm phát tăng cao.

“Nếu lãi suất quá thấp, dòng tiền sẽ chảy sang các kênh đầu tư rủi ro như chứng khoán và bất động sản. Vì vậy, việc điều chỉnh lãi suất cần hài hòa và mức hiện nay là khá phù hợp”, ông Thành nhấn mạnh.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư