Quy hoạch sử dụng đất hiện nay chưa bảo đảm tính đồng bộ, thiếu tầm nhìn dài hạn, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững . Ảnh: Tường Lâm |
Nhiều kỳ vọng
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cho hay, gần 10 năm thi hành Luật Đất đai năm 2013, công tác quản lý, sử dụng đất đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Song quá trình tổ chức thi hành Luật đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế như: quy hoạch sử dụng đất chưa bảo đảm tính đồng bộ, tổng thể, hệ thống, chất lượng chưa cao, thiếu tầm nhìn dài hạn, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững, thực hiện chưa nghiêm; thị trường quyền sử dụng đất phát triển chưa ổn định; tài chính đất đai và giá đất chưa phản ánh đúng thực tế thị trường…
Về nguyên nhân, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nêu rõ, chủ yếu là do đất đai có tính lịch sử, phức tạp; việc thi hành pháp luật về đất đai ở một số nơi chưa nghiêm; chính sách, pháp luật còn bất cập, một số nội dung của pháp luật có liên quan chưa thống nhất, đồng bộ với Luật Đất đai...
Từ những vấn đề nêu trên, Chính phủ nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đất đai đồng bộ, thống nhất.
Đồng tình với sự cần thiết sửa đổi Luật Đất đai, đại biểu Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - kỳ vọng: “Việc sửa đổi Luật lần này giải quyết tất cả những bất cập về đất đai đang xảy ra; đồng thời, nguồn lực đất đai phải đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, theo đó cần có cơ chế mới để phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai”.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (TP. Hà Nội) nhấn mạnh, qua giám sát cho thấy, có rất nhiều dự án chậm tiến độ gây lãng phí, làm mất cơ hội của các nhà đầu tư, trì hoãn các hoạt động kinh tế - xã hội trong khu vực. Việc sửa Luật Đất đai cần khắc phục những bất cập đó, tránh gây lãng phí nguồn lực.
Khơi thông thế nào?
Theo ông Hiếu, nếu chia đất đai thành 2 loại là đất để sử dụng cho mục đích công cộng (công trình hạ tầng đường sá, an ninh quốc phòng) và đất cho sản xuất kinh doanh thì phân bổ nguồn lực đất đai cho sản xuất kinh doanh còn nhiều vấn đề đáng quan ngại. Ông Hiếu chia sẻ, đọc các báo cáo gần đây về đất đai, trong đó có Báo cáo về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2021, trong các thủ tục hành chính còn gây phiền hà, thủ tục về đất đai luôn ở vị trí thứ nhất hoặc thứ hai. Bên cạnh đó, trong các doanh nghiệp được điều tra thì 50% gặp phiền hà trong tiếp cận đất đai và thực hiện thủ tục về đất đai (thuê, mua đất, quy hoạch, cung cấp thông tin…).
“Do đó, sửa đổi Luật lần này phải tháo gỡ, nếu không tháo gỡ thì việc phân bổ nguồn lực đất đai cho sản xuất kinh doanh sẽ là một “điểm nghẽn”, không tạo được động lực, nguồn lực cho phát triển”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Bên cạnh việc khơi thông “điểm nghẽn” nêu trên, ông Hiếu lưu ý, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần làm rõ thêm một số nhóm vấn đề để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực đất đai.
Cụ thể, đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất vì toàn bộ những quyết sách liên quan đến đất đai đều gắn với việc phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Nếu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có chất lượng tốt sẽ tạo nền tảng cho phát triển, phân bổ nguồn lực hiệu quả, tạo ra sự bài bản, khoa học, thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Ngược lại, quy hoạch sử dụng đất không tốt sẽ trở thành “rào cản” vì tất cả các thủ tục hành chính, điều kiện phân bổ nguồn lực đều căn cứ vào quy hoạch để triển khai.
Phát triển thị trường quyền sử dụng đất là yếu tố sống còn trong việc phân bổ nguồn lực. “Tôi rất muốn đề xuất việc thu hẹp công cụ phân bổ hành chính giao đất mà không thông qua đấu thầu, đấu giá”, ông Hiếu bày tỏ.
Cùng với đó, khơi thông cơ chế phân bổ nguồn lực cho sản xuất kinh doanh thông qua công cụ thị trường đất đai, đặc biệt là phát triển thị trường quyền sử dụng đất thứ cấp; cải cách về thủ tục đất đai…
“Để cải cách thủ tục đất đai, tư duy thông thường là rút ngắn thời gian, đơn giản hóa hồ sơ, ứng dụng công nghệ thông tin, nhưng để đột phá thì phải đặt tư duy trong tổng thể các chuỗi thủ tục về đầu tư, tức là đặt Luật Đất đai là một mắt xích hợp lý trong tổng thể các chuỗi về đất đai, đầu tư, xây dựng… Vì nếu đặt riêng từng luật thì các thủ tục đều hợp lý, nhưng đặt trong một chuỗi các thủ tục liên quan để triển khai một dự án đầu tư thì lại trở nên bất cập do có thể chồng chéo, không rõ bước nào trước và bước nào sau”, ông Hiếu gợi mở.
Với mục tiêu khắc phục những hạn chế, bất cập tại Luật Đất đai cũng như khơi thông nguồn lực đất đai cho phát triển đất nước, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho hay, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã có nhiều nội dung mới như: đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; hoàn thiện các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; hoàn thiện cơ chế xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường…