So với mùa ĐHCĐ năm trước, cổ tức năm 2015 được các ngân hàng chia cho cổ đông có phần cao hơn và không ít ngân hàng chia trên mức 10%. Tuy nhiên, khác với năm trước, chính sách chia cổ tức được các nhà băng đưa ra cho năm nay phần lớn bằng cổ phiếu. Các ngân hàng muốn thông qua việc chia cổ tức này để nâng cao năng lực tài chính, song cổ đông lại mong mỏi nhận được cổ tức bằng tiền mặt.
OCB, HDBank, Kienlongbank nằm trong số ít ngân hàng chia cổ tức năm 2015 bằng tiền mặt, với tỷ lệ lần lượt là 4,5%; 10% và 4%. Điều này khiến cổ đông các nhà băng kể trên hài lòng, bởi trước tình hình hiện nay để nhận được cổ tức bằng tiền mặt là điều không dễ. Nhưng số ngân hàng trong diện này là hiếm và con số cũng không cao!
Tại ĐHCĐ của một NHTM cổ phần diễn ra đầu tháng 4/2016, cổ đông Nguyên Thành An chất vấn HĐQT: Vì sao năm trước nhà băng vẫn chia cổ tức 7% bằng tiền mặt, nhưng năm nay lại chia bằng cổ phiếu trên 10%, khiến cổ đông không hài lòng? Cổ đông này cho rằng, trong lúc này, được nhận cổ tức bằng tiền mặt là tốt nhất.
Thế nhưng, trả lời câu hỏi của cổ đông, Chủ tịch HĐQT nhà băng cho hay, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu nhằm nâng vốn điều lệ cho ngân hàng và điều này được NHNN ủng hộ. Các ngân hàng cần tăng vốn do đang hướng đến tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định của Basel 2. NHNN đang khuyến khích các ngân hàng hạn chế trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông, để nâng cao năng lực vốn.
Thực tế, trong mùa ĐHCĐ lần này, hầu hết các nhà băng đều xin cổ dông thông qua kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu. Chẳng hạn, NamA Bank chia cổ tức 2015 bằng cổ phiếu ở mức 5%; ACB chia cổ tức năm 2015 trên 10% bằng cổ phiếu; VPBank chi trả cổ tức năm 2015 bằng cổ phiếu, với tỷ lệ 13,07% cùng với việc chia cổ phiếu thưởng là 5,69%. BacABank cũng đang đợi NHNN phê duyệt phương án chia cổ tức bằng tiền mặt hoặc cổ phiếu với tỷ lệ 5,3%. Các phương án phân chia lợi nhuận cho cổ đông phải được sự phê duyệt của NHNN. Chính điều này cũng khiến không ít cổ đông ngân hàng tỏ ra bức xúc khi cho rằng, các ngân hàng đã hoạt động dưới mô hình cổ phần, nhưng chia cổ tức phải được NHNN phê duyệt.
Cục trưởng Cục Thanh tra Giám sát NHNN tại TP. HCM, ông Nguyễn Văn Dũng cho rằng, cổ đông nào cũng mong muốn nhận cổ tức cao, nhưng vấn đề an toàn của các ngân hàng phải được đặt lên hàng đầu. Theo ông Dũng, có những NHTM trong giai đoạn 2015 - 2016 và 3 năm tới vẫn có kế hoạch không chia cổ tức, một số NHTM khác được phê duyệt mức chia 3 - 5%. Bởi trước tình hình còn khó khăn hiện nay, nguyên tắc chia cổ tức là các ngân hàng phải trích lập dự phòng đầy đủ, thực hiện nghĩa vụ tài chính theo đúng quy định.
Mặt khác, vấn đề tăng năng lực tài chính là cần thiết với các ngân hàng khi thực hiện quy định của Basel 2. Vì thế, ACB, VPBank nhiều khả năng sẽ hoàn tất tăng vốn trong năm nay, bởi đây là 2 trong số 10 ngân hàng (BIDV, VietinBank, Vietcombank, Techcombank, MB, Sacombank, Maritimebank, ACB, VPBank và VIB) sẽ thí điểm áp dụng Basel II. Vietcombank cũng dự kiến nâng vốn điều lệ trong năm 2016 thông qua phát hành cổ phiếu thưởng tỷ lệ 35% và phát hành riêng lẻ 10% cổ phần. VietinBank có khả năng sáp nhập PGBank.
Các NHTM quy mô vừa và nhỏ hơn cũng chịu áp lực tăng vốn như: BacABank, SaigonBank đã được chấp thuận tăng vốn điều lệ trong năm nay lên lần lượt 5.000 tỷ đồng và 4.000 tỷ đồng, song cũng không dễ dàng thực hiện được do cổ phiếu ngân hàng giảm và TTCK chưa mấy khởi sắc.
Tại ĐHCĐ thường niên vừa diễn ra cuối tháng 4/2016, Chủ tịch HĐQT VietA Bank, ông Phương Hữu Việt cho biết, năm 2015, Ngân hàng dự kiến chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 7,5%, phương án này đang được trình lên NHNN. Nếu kế hoạch này được thông qua, VietA Bank sẽ tăng vốn điều lệ từ 3.500 tỷ đồng lên 3.762 tỷ đồng.
VietA Bank cho rằng, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu nhằm thực hiện chủ trương của NHNN, để tăng cường năng lực tài chính cho Ngân hàng, mở rộng mạng lưới và quy mô ngân hàng. NHNN khuyến khích các ngân hàng chia cổ tức bằng cổ phiếu, bởi vốn chủ sở hữu của các ngân hàng còn nhỏ, do vậy, hầu hết các ngân hàng chia cổ tức bằng cổ phiếu, thay vì tiền mặt.