Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Cổ tức tiền mặt, bao giờ?
Điểm lại các ĐHCĐ của khối ngân hàng, cổ tức chính là thỏi nam châm thu hút sự quan tâm của mọi cổ đông. Trong hơn 10 ngân hàng đã thông qua Nghị quyết ĐHCĐ thường niên 2016, chỉ có 2 ngân hàng thông qua việc chia cổ tức năm 2015 bằng tiền mặt là Vietcombank (10%) và Ngân hàng Quân đội (5% bằng tiền mặt và 5% bằng cổ phiếu). Việc không chia cổ tức tiền mặt diễn ra trong bối cảnh các ngân hàng vẫn báo cáo những kết quả khả quan về tình hình kinh doanh, tăng trưởng tín dụng, về kế hoạch kinh doanh năm 2016… Cổ đông nhìn chung không thoải mái lắm khi đầu tư cổ phiếu ngân hàng (một số cổ phiếu còn chưa niêm yết) và không được nhận một đồng cổ tức.
ĐHCĐ Techcombank đã diễn ra khá căng thẳng khi cổ đông gần như mất kiên nhẫn sau 5 năm liền không được chia cổ tức. Tài khoản cổ phiếu gần như đóng băng do tính thanh khoản hạn chế. Cũng như các nhà băng khác, đại diện Techcombank cho biết, nguyên nhân ngân hàng này chưa chia cổ tức là nhằm tích lũy lợi nhuận, tăng năng lực cạnh tranh, đáp ứng các tiêu chuẩn Basel II trong thời gian tới.
Trong danh sách các ngân hàng nói không với cổ tức tiền mặt năm 2015 còn có VietinBank, Eximbank, Ngân hàng Quốc dân, TPBank…
Một số ngân hàng khác, mặc dù có kế hoạch chia cổ tức 2015, nhưng vẫn khiến cổ đông không thực sự hài lòng. Đơn giản, cổ tức được chia bằng cổ phiếu, đáp ứng nhu cầu tăng vốn điều lệ của ngân hàng hơn là lợi ích thực sự của cổ đông. Một cổ đông Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đã phản ứng ngay tại cuộc họp, rằng họ “không hài lòng” khi cổ tức của ngân hàng này cứ chia bằng cổ phiếu, trong khi giá cổ phiếu SHB đã rơi xuống dưới mệnh giá từ rất lâu. Cũng cổ đông này đề nghị, năm 2015 có thể tạm chấp thuận cổ tức bằng cổ phiếu 7,5%, nhưng đến năm 2016, đề nghị ngân hàng trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông, dù ít dù nhiều. Ý kiến nói trên được nhiều cổ đông tán thành. Mặc dù về nguyên tắc, cổ tức năm 2016 sẽ chỉ được quyết định chính thức vào năm sau, khi kết quả kinh doanh 2016 đã được định hình.
Với BIDV, một trong những ngân hàng lớn nhất hiện nay, cổ đông cũng ý kiến về việc cổ tức năm 2015 thay vì chi trả 9% như dự kiến năm ngoái, lại chỉ thực hiện 8,5%, và chi trả bằng cổ phiếu. Lãnh đạo BIDV đã phải đích thân giải thích tương đối chi tiết về quyết định này, trấn an tinh thần cho cổ đông.
Các ngân hàng có thiếu tiền?
Một vấn đề mà cổ đông hay đưa ra “chất vấn” ngân hàng là trong khi cổ tức dành cho cổ đông không được chi trả bằng tiền mặt, thì lãnh đạo ngân hàng vẫn hưởng thu nhập khủng. Tuy nhiên, có một thực tế là không chỉ là trong giới ngân hàng, mà tại hầu hết các doanh nghiệp lớn, thu nhập của các lãnh đạo chưa bao giờ thấp. Nếu không đạt mức bình quân trên thị trường lao động cấp cao, rõ ràng những người đứng đầu ngân hàng không có đủ động lực để chèo lái con thuyền trong tình hình ngày một khó khăn như vậy. Ngoài ra, tổng thu nhập của lãnh đạo ngân hàng, nhìn chung vẫn rất thấp so với con số lợi nhuận gặt hái được.
ĐHCĐ thường niên 2016 của VietinBank diễn ra ngày 26/4 vừa qua đã thông qua hoàn toàn các tờ trình. Cổ đông của VietinBank có vẻ khá “hiền lành”, khi những vấn đề “nóng” tại ĐHCĐ các ngân hàng khác không được đặt ra ở ĐHCĐ lần này. Ví dụ chuyện cổ tức, chuyện nợ xấu, vấn đề VAMC, thù lao HĐQT… Việc VietinBank không chia cổ tức là tương đối chính đáng khi đó là một trong những điều khoản đặt ra trong đề án sáp nhập PGBank vào ngân hàng này.
Thế nhưng, quan sát phương án phân phối lợi nhuận, con số trích lập quỹ của VietinBank khiến cổ đông phải giật mình. Có tới 1.140 tỷ đồng được ngân hàng này trích lập quỹ Khen thưởng phúc lợi, tương đương 20% lợi nhuận sau thuế đạt được trong năm 2015. Có nghĩa là cứ làm ra 5 đồng lợi nhuận, VietinBank lại trích 1 đồng dành cho cán bộ, công nhân viên, sau khi đã chi trả thù lao, lương bổng theo hợp đồng lao động. Theo quy định, Quỹ khen thưởng phúc lợi được dành cho công tác khen thưởng, khuyến khích lợi ích vật chất, phục vụ nhu cầu phúc lợi công cộng, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người lao động.
Nhân viên VietinBank vẫn luôn nằm trong nhóm có thu nhập cao nhất hệ thống ngân hàng. Trong năm 2015, tính riêng Quỹ khen thưởng phúc lợi được trích, mỗi nhân viên ngân hàng này “có phần” 54 triệu đồng. Tất nhiên, trích quỹ là một chuyện, chia thực tế cho người lao động hay lại tiếp tục tích lũy cho tương lai, lại là chuyện khác.
Vượt qua VietinBank, BIDV trích tới 21,6% lợi nhuận đạt được năm 2015 cho Quỹ khen thưởng phúc lợi, tương đương 1.359 tỷ đồng. Tính bình quân, mỗi nhân viên BIDV được hưởng 57 tỷ đồng từ quỹ này trong năm 2015.
Thấp hơn một chút, Vietcombank trích 957 tỷ đồng Quỹ cho năm 2015, tương đương 18% lợi nhuận đạt được. Số tiền bình quân đầu người của ngân hàng này đạt kỷ lục, gần 64 triệu đồng. Khác với các nhà băng khác, cổ đông Vietcombank được chi trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%, là ngân hàng có cổ tức tốt nhất cho đến thời điểm hiện tại.
Trong các ngân hàng trích lập Quỹ ít, hoặc không trích lập, Eximbank lại đứng đầu về tỷ lệ trích lập, lên tới 25%, tương đương 10 tỷ đồng trên 40 tỷ đồng lợi nhuận. Tuy nhiên, đây mới chỉ là phương án mà HĐQT đưa ra, sẽ trình ĐHCĐ thường niên 2016 thông qua vào 29/4 tới đây.
Câu chuyện cân bằng lợi ích vẫn chưa bao giờ cũ. Một mặt, người lao động cần được khích lệ bằng lương bổng, bằng những lợi ích vật chất tinh thần từ quỹ khen thưởng. Tuy nhiên, rõ ràng cần hài hòa hơn nữa lợi ích của cổ đông và người lao động, khi cổ đông mới chính là những ông chủ thực sự của một doanh nghiệp/ngân hàng. Tiền của họ không thể “đóng băng” mãi, trông chờ vào sự phát triển nào đó trong tương lai.