Bảo đảm điều kiện bảo quản trong quá trình vận chuyển đóng vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng thuốc. Ảnh minh họa: Phúc An |
Kinh doanh dịch vụ vận chuyển thuốc là một trong những mô hình kinh doanh mới xuất hiện trong thời gian gần đây, đặc biệt là trong giai đoạn đại dịch Covid-19. Dựa trên thực tiễn phát sinh, Dự thảo Luật bổ sung điều kiện kinh doanh đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ vận chuyển thuốc, nguyên liệu làm thuốc. Theo đó, cơ sở kinh doanh lĩnh vực này phải có phương tiện vận chuyển, trang thiết bị bảo quản, hệ thống quản lý chất lượng, tài liệu chuyên môn kỹ thuật đáp ứng quy định về vận chuyển thuốc được nêu tại Hướng dẫn thực hành tốt phân phối thuốc, nguyên liệu làm thuốc của Bộ Y tế.
Ông Chu Đăng Trung, Trưởng phòng Pháp chế - Hội nhập của Cục Quản lý dược thuộc Bộ Y tế cho rằng, việc bổ sung điều kiện kinh doanh đối với những loại hình kinh doanh mới là rất cần thiết. Lý do là vận chuyển thuốc là một khâu trong quá trình phân phối thuốc, đóng vai trò rất quan trọng, góp phần lưu thông thuốc trên thị trường, đáp ứng nhu cầu về thuốc của người dân. Đồng thời, việc vận chuyển thuốc có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng thuốc, do thuốc là một loại hàng hóa đặc biệt mà việc bảo đảm điều kiện bảo quản theo quy định của nhà sản xuất trong quá trình vận chuyển đóng vai trò quyết định chất lượng thuốc.
Tuy nhiên, theo ông Ngô Khắc Lễ, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), việc đưa ra điều kiện kinh doanh đối với loại hình kinh doanh dịch vụ vận chuyển là không cần thiết, bởi như vậy sẽ tạo nên rào cản, hạn chế sự gia nhập thị trường của doanh nghiệp.
Cùng chung quan điểm, bà Vũ Thị Hiên, đại diện Bộ phận Pháp chế của Công ty CP Traphaco cho rằng, nên xóa bỏ nội dung về điều kiện của cơ sở kinh doanh dịch vụ vận chuyển thuốc, nguyên liệu làm thuốc. “Trong thực tế, các đơn vị mà doanh nghiệp ký hợp đồng vận chuyển chỉ phục vụ đơn thuần hoạt động vận chuyển và đảm bảo điều kiện bảo quản, số lượng, chất lượng của hàng hóa trong quá trình vận chuyển. Phạm vi của hoạt động phân phối rộng hơn phạm vi của hoạt động vận chuyển, nếu phải có đủ các yêu cầu tài liệu chuyên môn kỹ thuật, hệ thống quản lý chất lượng đáp ứng thực hành phân phối thuốc sẽ có thể dẫn đến tình trạng độc quyền, gây khó khăn cho chuỗi cung ứng”, bà Hiên lo ngại.
Mặt khác, theo đại diện Traphaco, hiện chưa có quy định cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm đánh giá, xác nhận cơ sở kinh doanh dịch vụ vận chuyển thuốc đáp ứng các quy định về thực hành tốt phân phối thuốc. Điều 35 Luật Dược năm 2016 và điểm a khoản 13 Điều 1 Dự thảo Luật Dược (sửa đổi) đều quy định, cơ sở kinh doanh dịch vụ vận chuyển thuốc, nguyên liệu làm thuốc là cơ sở có hoạt động dược nhưng không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược. Hiện tại, Thông tư số 03/2018/TT-BYT ngày 9/2/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế đã quy định: “Trước khi giao hàng - gửi hàng, cơ sở phân phối thuốc phải bảo đảm rằng, cá nhân hoặc tổ chức vận chuyển hàng, kể cả bên nhận hợp đồng vận chuyển thuốc, nhận thức được về thuốc được vận chuyển và tuân thủ các điều kiện bảo quản và vận chuyển phù hợp”. Việc này đã bảo đảm rõ ràng về trách nhiệm của cơ sở phân phối trong trường hợp có sử dụng dịch vụ vận chuyển thông qua hợp đồng.
Hiện nay, tại Việt Nam, 90% nguyên liệu sản xuất dược phẩm đều phải nhập khẩu, từ tá dược, bao bì… Thế giới đã áp dụng theo tiêu chuẩn quốc tế, nên toàn bộ hệ thống vận chuyển đều phải tuân thủ nghiêm ngặt, tất cả quá trình vận chuyển đều có hệ thống theo dõi cài đặt trong lô hàng, nếu không đảm bảo thì sẽ bị phạt hợp đồng. “Do vậy, chúng ta không nên đưa thêm điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận chuyển thuốc và nguyên liệu làm thuốc riêng, nếu không thì toàn bộ hàng hoá nhập khẩu có nguy cơ bị trả lại, hoặc phát sinh thêm cơ chế xin - cho”, một doanh nghiệp chia sẻ. Thay vì đặt thêm nhiều điều kiện kinh doanh như vậy, Chủ tịch Hội Dược học Việt Nam Nguyễn Thế Tin cho rằng, Dự thảo nên quy định các đơn vị cung cấp dịch vụ vận chuyển thuốc, nguyên liệu làm thuốc phải đáp ứng tiêu chuẩn thực hành tốt phân phối (GDP) là có thể đạt được mục tiêu bảo đảm điều kiện bảo quản riêng. Như vậy, việc cung ứng thuốc sẽ vừa nhanh chóng, vừa bảo đảm an toàn.
Cho rằng việc yêu cầu đơn vị vận chuyển phải đáp ứng tiêu chuẩn GDP là cần thiết nhưng chưa đủ, ông Lê Tiến, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dược phẩm Đông Á đề nghị, tiêu chuẩn này cần áp dụng đối với cả kho hàng. Bởi vì, trong nhiều trường hợp, đơn vị giao nhận hàng không thành công (xảy ra khá phổ biến), thì hàng hóa đó phải được đưa về kho có đủ tiêu chuẩn GDP để lưu hàng, vì không thể tiếp tục bảo quản trên phương tiện vận chuyển.