Một số địa phương áp dụng phương thức đất ở không hình thành đơn vị ở, vượt quá khuôn khổ của pháp luật |
Ngày 14/2, Bộ TN&MT chính thức có văn bản gửi Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn về việc sử dụng đất và việc chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng không phải nhà ở. Theo đó, thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN&MT hướng dẫn cụ thể về chế độ sử dụng đất đối với một số loại hình bất động sản (BĐS) mới (căn hộ du lịch - condotel, biệt thự du lịch - resort villa, văn phòng kết hợp lưu trú - officetel) theo đúng quy định của pháp luật.
Bình luận về động thái trên, GS. Đặng Hùng Võ cho rằng, cơ quan quản lý và các nhà hoạch định chính sách vẫn loay hoay với cái tên mà chưa đưa condotel vào hệ thống pháp luật. Theo đó, điểm quan trọng nhất là việc sử dụng đất và công năng của một công trình xây dựng được quy định trong Luật Đất đai vẫn chưa rõ.
“Văn bản số 703 mới đây của Bộ TN&MT đã chỉ ra việc theo Luật Du lịch thì condotel là căn hộ du lịch và dùng để kinh doanh, mà để kinh doanh thì chế độ sử dụng đất là theo đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp. Đó cũng là một cách hiểu. Condotel có thể là pha trộn, có phần để ở và có phần để kinh doanh. Cũng như với mô hình chung cư hiện nay, các tầng dưới có thể để kinh doanh còn phía trên là để ở”, GS. Đặng Hùng Võ phân tích.
Theo ông Võ, việc đa dạng các mô hình đó dẫn đến cần một sự linh hoạt trong quản lý, song khung pháp lý hiện tại còn quá chật. “Chúng ta cần nới rộng chiếc áo pháp luật để chứa được và phát triển du lịch. Mục tiêu của luật pháp là để ổn định chính trị và phát triển du lịch thành kinh tế mũi nhọn, chứ không phải để quản lý chặt”, ông Võ phân tích.
Chia sẻ góc nhìn từ phía doanh nghiệp, ông Hoàng Liên Sơn - Tổng giám đốc Alpha Real, nhận xét: “Bản chất của condotel là kinh tế chia sẻ sẽ phù hợp với mục tiêu phát triển hạ tầng du lịch để thu hút và đáp ứng lượng lớn khách du lịch trong nước, cũng như quốc tế đến Việt Nam. Khi đó, các chủ đầu tư làm ăn uy tín, có năng lực vận hành vẫn có điều kiện phát triển tốt”.
Lắng nghe ý kiến từ phía chuyên gia và doanh nghiệp, bà Phạm Thị Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký Đất đai thuộc Bộ TN&MT cho biết, Công văn số 703 là văn bản hướng dẫn của Bộ TN&MT trên cơ sở tổng hợp, hệ thống lại các quy định để đi tới chỉ dẫn cách thức cấp Giấy chứng nhận cho loại hình BĐS mới và lấy đó làm căn cứ để áp dụng cho việc quản lý.
Theo bà Thịnh, việc cấp giấy chứng nhận là khâu cuối cùng của tổng thể một chuỗi các hoạt động trong quy trình. “Cấp giấy chứng nhận cho chủ đầu tư đơn giản chỉ là ghi nhận sự cho phép hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước đối với nhà đầu tư sơ cấp. Còn cấp giấy chứng nhận cho nhà đầu tư thứ cấp, tức là thừa nhận giao dịch hợp pháp trên thị trường thứ cấp đó”, bà Thịnh cho biết.
Cũng theo bà Thịnh, đã có trường hợp một số địa phương áp dụng phương thức đất ở không hình thành đơn vị ở. Điều này vượt quá khuôn khổ của pháp luật. Nếu đã là đất ở thì quy hoạch sử dụng phải là đất ở, được duyệt quy hoạch thì phải có quy mô dân số, các điều kiện nhu cầu cho đất ở...
"Đất ở không hình thành đơn vị ở là không thực tế, khái niệm này dễ dấn đến sự mù mờ thông tin gữa các nhà đầu tư thứ cấp, sơ cấp và khách hàng. Vì vậy, việc minh bạch thông tin đầu vào sẽ giúp các nhà đầu tư, khách hàng tiếp cận tốt hơn khi đầu tư thị trường này", bà Thịnh nhấn mạnh.
Đóng góp ý kiến với mong muốn tháo gỡ khó khăn hiện hữu cho condotel, GS. Đặng Hùng Võ cho rằng, việc cần làm ngay là tháo nút thắt về đất đai. “Tôi cho rằng chúng ta nên gắn liền chính sách đất đai với chính sách thuế. Khi doanh nghiệp muốn thuê đất với thời gia dài thì vẫn có thể cho thuê với thời gian dài nhưng khi ấy thuế đất sẽ phải nộp cao hơn. Ngược lại, nếu như doanh nghiệp muốn thuê đất với thời gian thấp thì thuế đất cũng được đánh giá thấp hơn. Chính sách như vậy sẽ làm thay đổi quan niệm của doanh nghiệp về BĐS”, GS. Võ bình luận.