Kiến nghị tăng thuế nhập khẩu thép cuộn cán nóng lên 5%

(BĐT) - Bộ Tài chính vừa đề xuất điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với các mặt hàng thép cuộn cán nóng thuộc nhóm 72.08 từ 0% lên 5%. Mặt hàng thép cán nóng là đầu vào sản xuất thép cán nguội và các mặt hàng tôn mạ màu.
Thép cán nóng là đầu vào sản xuất thép cán nguội và các mặt hàng tôn mạ màu. Ảnh: Internet
Thép cán nóng là đầu vào sản xuất thép cán nguội và các mặt hàng tôn mạ màu. Ảnh: Internet

Theo Bộ Tài chính, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang làm dấy lên lo ngại về việc thép giá rẻ Trung Quốc có thể lan tràn vào Việt Nam, kéo giá thép trên thị trường giảm mạnh. Điều này khiến nhà máy sản xuất thép lớn nhất Việt Nam đang cân nhắc tạm dừng kế hoạch triển khai lò cao số 3. Việt Nam nhập khẩu hơn 8 triệu tấn cuộn cán nóng mỗi năm, 40% trong số đó là nhập từ Trung Quốc. Nếu không có thuế nhập khẩu đánh vào mặt hàng, thép cán cuộn giá rẻ sẽ từ Trung Quốc tiếp tục tràn bào Việt Nam sẽ gây bất ổn thị trường thép Việt Nam. 

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, thép cuộn cán nóng thuộc nhóm 72.08 năm 2018 có khối lượng nhập khẩu đạt 5,3 triệu tấn, tổng kim ngạch nhập khẩu (KNNK) đạt khoảng 3,09 tỷ USD. Trong đó, áp dụng mức thuế suất MFN đối với thép cuộn cán nóng nhập khẩu từ các nước thực hiện đối xử tối huệ quốc với Việt Nam là 0%; KNNK chịu thuế theo mức thuế suất MFN của năm 2018 là: 2,74 tỷ USD (chiếm khoảng 88% tổng KNNK).

Bên cạnh đó, áp dụng mức thuế suất ACFTA là 0% đối với thép cuộn cán nóng thuộc nhập khẩu từ Trung Quốc và đáp ứng đủ điều kiện áp dụng mức thuế suất ACFTA. KNNK chịu thuế ACFTA của năm 2018 là: 18,3 triệu USD (chiếm khoảng 0,6 % tổng KNNK).

Ngoài ra, áp dụng mức thuế suất ATIGA là 0%, AKFTA là 0% đối với thép cuộn cán nóng nhập khẩu từ các nước ASEAN, Hàn Quốc và đáp ứng đủ điều kiện để được hưởng mức thuế suất ATIGA, AKFTA.  KNNK chịu thuế theo mức thuế suất ATIGA và AKFTA của năm 2018 là: 801 ngàn USD (chiếm khoảng 0,24 % tổng KNNK).

Theo Thông tư số 01/2018/TT-BKHĐT ngày 30/3/2018 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì trong nước đã sản xuất được một số mặt hàng thép cuộn cán nóng thuộc nhóm 7208 (gồm các mặt hàng thép cán phẳng, dạng cuộn, cán nóng, đã ngâm, tẩy, gỉ thuộc các mã hàng 72082600 , 72082790,  thép cán phẳng, dạng cuộn, cán nóng/loại khác thuộc các mã hàng 72083600, 72083700, 72083800, 72083900, thép cán nóng dạng không cuộn thuộc các mã hàng 72085300, 72085400).

Theo báo cáo của Hiệp hội Thép, năng lực sản xuất thép cuộn cán nóng của các doanh nghiệp trong nước tính đến tháng 12/2018 đạt 3,4 triệu tấn/năm (đạt 86% công suất thiết kế, công suất thiết kế là 4 triệu tấn/năm). Qua trao đổi với Hiệp hội Thép, nhu cầu tiêu thụ thép cuộn cán nóng trong nước khoảng hơn 10 triệu tấn/năm. Như vậy năng lực sản xuất trong nước mới đáp ứng khoảng gần 50%, dự kiến cuối năm 2019 sẽ đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu trong nước khi nhà máy của Công ty Hòa Phát tại Dung Quất, Quảng Ngãi và Công ty Formusa đi vào hoạt động. Các doanh nghiệp vẫn phải nhập khẩu thép cán nóng để sản xuất thép cán nguội phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Căn cứ nội dung phân tích nêu trên, do trong nước đến nay đã sản xuất được một số mã hàng thép cuộn cán nóng thuộc nhóm 7208 và năng lực sản xuất trong nước đã đáp ứng được khoảng gần 50% nhu cầu trong nước và xuất khẩu, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu ưu đãi MFN đối với các mặt hàng thép cuộn cán nóng thuộc nhóm 72.08 từ 0% lên 5%. Mặt hàng thép cán nóng là đầu vào sản xuất thép cán nguội và các mặt hàng tôn mạ màu có mức thuế suất cơ bản từ 5-25%, như vậy phù hợp với nguyên tắc thuế nhập khẩu tăng dần từ nguyên liệu thô đến thành phẩm.

Về tác động của việc tăng thuế này, Bộ Tài chính cho biết, việc tăng thuế suất MFN từ 0% lên 5% sẽ tác động làm tăng thu ngân sách nhà nước với số thuế nhập khẩu tăng là 137,15 triệu USD, tương đương 3.152 tỷ VNĐ. Tuy nhiên, khi mức thuế suất được tăng lên 5% thì các doanh nghiệp sẽ tìm nguồn nhập khẩu từ các nước có thuế suất ưu đãi đặc biệt 0% (TQ, ASEAN, Hàn Quốc). Vì vậy, số thu ngân sách nhà nước thực tế sẽ thấp hơn con số tính toán nêu trên.

Về chi phí nhập khẩu, khi tăng thuế suất lên 5% sẽ có sự dịch chuyển thương mại sang các nước có ký FTA với Việt Nam để hưởng thuế suất 0%. Tuy nhiên, để đủ điều kiện áp dụng thuế suất 0%, các doanh nghiệp sẽ phải tốn thêm chi phí xin giấy chứng nhận xuất xứ và tìm đối tác nhập khẩu mới. Vì vậy, việc điều chỉnh tăng thuế suất lên 5% sẽ có tác động đến chi phí nhập khẩu của doanh nghiệp.

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Chuyên đề