Kích dòng chảy vốn cho kịch bản tăng trưởng 6%

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Để GDP tăng trưởng 6% cả năm 2023, tăng trưởng GDP quý IV phải đạt 10,6%. Đây là kịch bản khả quan nhất trong 3 kịch bản tăng trưởng được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cập nhật, báo cáo Chính phủ trong phiên họp thường kỳ tháng 9/2023.
Đến ngày 29/9/2023, tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,749 triệu tỷ đồng, tăng 6,92% so với cuối năm 2022, thấp hơn đáng kể so với con số gần 11% của cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Minh Dung
Đến ngày 29/9/2023, tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,749 triệu tỷ đồng, tăng 6,92% so với cuối năm 2022, thấp hơn đáng kể so với con số gần 11% của cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Minh Dung

Nhiều chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh sức khỏe doanh nghiệp chưa cải thiện, hoạt động sản xuất kinh doanh chưa phục hồi, bên cạnh việc thúc đẩy dòng chảy tín dụng, cần đẩy mạnh thực thi các chính sách tài khóa, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công để tạo cộng lực về vốn cho nền kinh tế, hướng tới mục tiêu tăng trưởng cao nhất cho năm 2023.

Dòng tín dụng chảy chậm

Dù đã thực hiện nhiều giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, song tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm nay thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái và mới đạt một nửa chỉ tiêu định hướng của cả năm 2023. Theo số liệu vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố, đến ngày 29/9/2023, tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,749 triệu tỷ đồng, tăng 6,92% so với cuối năm 2022, trong khi cùng kỳ năm ngoái đạt gần 11%. Đầu năm 2023, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 14 - 15%, nhưng đạt được chỉ tiêu này đang là một thách thức.

NHNN cho biết, để tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho doanh nghiệp, ngành ngân hàng đã chủ động triển khai nhiều giải pháp. Đó là, ban hành chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN; trình Chính phủ ban hành Nghị định 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất (HTLS) từ nguồn ngân sách nhà nước; triển khai Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản với quy mô khoảng 15.000 tỷ đồng, lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam thấp hơn tối thiểu từ 1 - 2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn; triển khai Chương trình 120.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33 của Chính phủ… Tuy nhiên, do cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng giảm, nên mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống vẫn thấp so với cùng kỳ các năm trước. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong duy trì và mở rộng thị trường tiêu thụ, nên không có nhu cầu vay vốn. Phần lớn doanh nghiệp khác rất cần vốn, nhưng không đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhóm bất động sản… Dòng chảy tín dụng từ ngân hàng gặp khó ở cả 2 đầu, bên vay và cho vay.

Theo kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh quý IV/2023 với các TCTD vừa được NHNN công bố, dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được kỳ vọng tăng 4,6% trong quý IV/2023 và tăng 12,3% trong năm 2023, điều chỉnh giảm 0,2 điểm phần trăm so với mức dự báo 12,5% tại kỳ điều tra trước.

Nhóm nghiên cứu của Công ty Chứng khoán MBS thì dự báo, tín dụng sẽ tăng trong những tháng cuối năm nhờ sản xuất và xuất khẩu có tín hiệu phục hồi. Tuy nhiên, nhu cầu hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn chưa phục hồi trong năm 2023, nên mức tăng trưởng tín dụng cả năm sẽ khó đạt được kỳ vọng 14%. Từ phân tích đó, MBS giảm dự báo tăng trưởng tín dụng năm 2023 của hầu hết các ngân hàng.

Dự báo tăng trưởng tín dụng 2023 của một số NHTM trong danh mục theo dõi

Dự báo tăng trưởng tín dụng 2023 của một số NHTM trong danh mục theo dõi

Trợ lực chính sách tài khóa và đầu tư công

Trao đổi với Báo Đấu thầu, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia dự báo, tăng trưởng tín dụng năm nay chỉ khoảng 10 - 11% bởi lực cầu tín dụng vẫn còn yếu dù nguồn vốn dư thừa. Theo đó, lãi suất liên ngân hàng đã và đang giảm về mức tương đối thấp cho thấy thanh khoản ngân hàng dồi dào, nhưng bí đầu ra.

Chính sách tiền tệ đang chuyển từ “chặt chẽ, chắc chắn” sang “linh hoạt, nới lỏng”. NHNN đã 4 lần giảm lãi suất điều hành, mặt bằng lãi suất đang giảm dần. Ngoài ra, nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân được thực hiện như cơ cấu nợ, đảo nợ. Với thị trường bất động sản, trong vòng 1 tháng đã có 4 chính sách được thông qua như Nghị định 08/2023 trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, Nghị quyết 33/2023 về tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển, Nghị định 10/2023 về sửa đổi, bổ sung các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai và đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội... “Đó là những yếu tố hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế, song chưa thể kỳ vọng đà tăng mạnh mẽ như năm ngoái", TS. Cấn Văn Lực khẳng định.

Cùng quan điểm, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính (Học viện Tài chính) cho rằng, chỉ tiêu định hướng về tăng trưởng tín dụng ở mức 14% của năm nay là khó khả thi. “Nhiều doanh nghiệp thấy rõ sức cầu tiêu dùng yếu nên chưa muốn vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh. Chính phủ, NHNN đã ban hành và thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ tiếp cận tín dụng, nhưng trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, thị trường bất động sản ảm đạm và nợ xấu lĩnh vực này cao, việc đẩy vốn tín dụng ra nền kinh tế là không dễ dàng và rủi ro”, ông nói. Trước thực tế cả ngân hàng và người đi vay đều có sự dè dặt nhất định, tăng trưởng kinh tế năm nay trông chờ chủ yếu ở các trợ lực chính sách tài khóa, nhất là giải ngân vốn đầu tư công.

TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, từ nay đến cuối năm, “dư địa” chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hầu như không còn. Do đó, để nền kinh tế có thể tăng trưởng kinh tế ở mức 6%, cần phát huy mạnh mẽ vai trò của các chính sách tài khóa, trong đó có chính sách giảm 30% tiền thuê đất vừa được ban hành ngày 4/10, giảm các khoản phí, lệ phí, giảm thuế giá trị gia tăng. Bên cạnh đó, với nguồn lực đầu tư công còn dồi dào, cần phát huy những kết quả giải ngân đầu tư công đã đạt được từ đầu năm đến nay để tiếp tục cung ứng nguồn vốn quan trọng cho nền kinh tế, quyết tâm đạt kịch bản tăng trưởng cao nhất cho năm nay và tạo đà cho tăng trưởng GDP năm sau.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư